Tâm Hiếu
Trưởng Ban Biên Tập Tạp chí Khoa Học và Tổ Quốc
Tản mạn về tủ sách gia đình
Một sự thực không vui vẻ, đó là so với thế giới, người Việt hiện nay không thể đánh giá là người mê đọc sách. Tôi muốn nói đến thực trạng chung, chứ không phải cho những người hôm nay đến đây tham dự Hội thảo “Người Việt có mê đọc sách?”.
Thực trạng không mê đọc sách ngày hôm nay, có thể do nhiều nguyên nhân, mà theo tôi một trong những nguyên nhân cơ bản là một thời gian dài quá thiếu vắng sách đã làm mất thói quen đọc sách của các bậc cha mẹ, kể cả các bậc cha mẹ có học (tạm coi có trình độ đại học là có học). Ngày nay không hiếm trường hợp người có trình độ đại học, thậm chí cao hơn, một năm không đọc nổi một cuốn sách vài ba trăm trang. Nhà văn Nguyên Ngọc đã có bài viết nêu: nhiều gia đình có học, khá giả nhưng đến nhà chỉ thấy… tủ rượu sang trọng chứ không thấy tủ sách…
Còn nhớ trước kia, khi trong thời trong thời kỳ bao cấp đầy khó khăn vất vả - thời kỳ rất hiếm khi kiếm được cuốn sách, nhất là sách văn học, triết học – cha tôi thường có câu: Trí thức gì khi chạn bát to hơn giá sách? (hồi đó, hiếm tủ sách lắm, những nhà có sách thường làm giá treo, hoặc đóng cửa sổ, những cửa sổ hai lớp tận dụng làm tủ sách). Câu nói của cha như một bài học cho các con mình về tinh thần đọc sách. Một đồng nghiệp sau này khi nghe tôi kể lại chuyện đó đã thật thà… tự thú rằng nhà mình cũng không có giá sách(!)
Trẻ em sinh ra trong nhà có nhiều sách sẽ ham đọc sách hơn những đứa trẻ sinh ra ở môi trường thiếu vắng kiến thức sách vở. Qua những trang văn của thế hệ đi trước, chúng ta nhận thấy hầu hết các nhà văn hóa, các nhà văn, các nhà khoa học đều là những người ham đọc sách từ nhỏ.
Song, phần lớn trẻ em ham chơi hơn ham học, đó là lẽ thường. Ham đọc sách chỉ đến với những em đã hình thành thói quen ham học, ham đọc. Với mỗi đứa trẻ sẽ cần có sự hướng dẫn của người lớn để trẻ hướng đến đọc sách có ích. Với đôi chút kinh nghiệm khi có hai đứa con một gái một trai, có thể coi là lứa trẻ ham đọc sách ngày nay, tôi xin chia sẻ kinh nghiệm của mình.
Hiện nay, trẻ em có ham đọc sách không? Nếu coi những cuốn truyện tranh đủ thể loại đang chiếm lĩnh rất nhiều không gian trong các nhà sách cho thiếu nhi là đọc sách, thì không thể nói trẻ em ngày nay không đọc gì. Thậm chí quan sát khi đi đường, tôi bắt gặp cảnh nhiều em ngồi trên xe máy, sau lưng bố mẹ vẫn mải mê với những cuốn truyện tranh. Nhưng theo quan điểm của tôi, đó là xem sách chứ không thể coi đó là đọc sách. Chưa bàn đến nội dung tốt xấu của các cuốn truyện tranh đó, nhưng với cách hành văn lủng củng, lộn xộn… lời nhiều hơn ý, cùng tranh vẽ, đã không thể rèn luyện cho trẻ thói quen đọc sách nghiêm túc, có tư duy, học hỏi…Việc xây dựng cho trẻ thói quen đọc sách dẫn đến ham mê là những việc các bậc cha mẹ, thầy cô giáo cần hướng dẫn.
Trong gia đình, nếu chưa có điều kiện để hình thành tủ sách thì cũng cần có riêng giá sách cho trẻ nhỏ. Đó là những cuốn truyện cổ tích từ ấu thơ mà cha mẹ mua để đọc, kể cho bé nghe, hình thành cho bé thế giới thần tiên trong sáng của tuổi thơ. Và khi bé lớn hơn là những cuốn truyện phù hợp từng giai đoạn phát triển của bé. Giá sách này rất gắn kết với bé, cho bé những kỷ niệm ký ức gắn cùng mỗi cuốn truyện, do vậy mà bé sẽ yêu sách hơn.
Lựa chọn sách cho trẻ
Không phải cuốn sách nào trẻ cũng nên đọc. Khi trẻ chưa thực sự trưởng thành, thì đọc loại sách nào cần có sự theo dõi, định hướng của cha mẹ, thầy cô giáo, hay những người hiểu biết. Không bậc cha mẹ nào có thể đọc hết các cuốn sách mà lứa tuổi con mình nên đọc. Do vậy việc kết nối với các bậc phụ huynh là điều rất cần thiết. Mỗi đứa trẻ có một ý thích sở trường riêng, khi lớn, trẻ có thể tìm đọc theo ý thích của mình, nhưng trong giai đoạn còn nhỏ, thì cha mẹ, thầy cô giáo nên giới thiệu sách cho trẻ:
- Mọi trẻ em đều nên đọc truyện cổ tích để nuôi dưỡng khát vọng thần tiên trong sáng.
- Mọi trẻ em đều nên đọc truyện thần thoại, để sau này khi đọc các tác phẩm văn học các em vững xuất xứ của trích dẫn trong văn chương chung của nhân loại.
- Cổ học tinh hoa là sách dành cho mọi người, mọi lứa tuổi, trong đó có trẻ em.
- Sách văn học phù hợp từng độ tuổi, nhất là những cuốn sách hay đã được cả thế giới công nhận là sách sống mãi với thời gian.
Ngoài những thể loại chung trên, thì mỗi trẻ em là chủ thể riêng biệt, có những em yêu thích lịch sử, địa lý, sinh học, thiên nhiên, danh nhân, khoa học, kỹ thuật,…cha mẹ, thầy cô giáo nên giúp đỡ trẻ tìm những sách trên từng lĩnh vực trẻ yêu thích giúp trẻ tìm tòi, khám phá thế giới riêng của mình. Các nhà xuất bản cũng đã xuất bản nhiều thể loại, nhưng nhiều khi thiếu thông tin nên người tìm sách chưa biết địa chỉ để tìm đến. Vì vậy, trong việc lựa chọn sách cho trẻ, rất cần có thông tin hữu ích. Chúng tôi cũng mong muốn trang web SachHay.com sẽ có chuyên mục trao đổi, giới thiệu về sách dành cho trẻ em. Để từ nguồn thông tin này, các bậc cha mẹ và thầy cô giáo dễ dàng tìm ra cuốn sách con em, học sinh của mình đang cần đọc, muốn đọc.
Làm gì khi trẻ chưa yêu đọc sách?
Những đứa trẻ sinh ra đã yêu thích đọc sách không nhiều. Phần lớn ngọn lửa ham mê đọc sách được truyền từ người lớn sang trẻ.
Mọi trẻ em đều cần được nghe kể, hoặc nghe đọc truyện cổ tích ngay những năm đầu tiên của cuộc đời.
Khi trẻ chưa yêu đọc sách, thì chính người lớn phải tìm những cuốn sách hay, cuốn hút để đọc cho trẻ nghe, dần dần hướng tới bắt trẻ tự đọc có kiểm tra của người lớn.
Khi trẻ chưa yêu đọc sách, không nên yêu cầu hay ép trẻ đọc nhiều, mà chỉ nên động viên, định hướng dần dần, chẳng hạn khuyến khích trẻ đọc sách xong kể lại cho cha mẹ, ông bà nghe. Mọi việc dạy trẻ em đọc sách phải rất nghiêm túc, không cười nhạo, chế giễu trẻ khi em chưa biết cách tóm tắt cốt truyện để kể lại. Hãy lắng nghe với tinh thần xây dựng, rồi tìm ra cái hay, cái đẹp để hướng dẫn trẻ. Những thời kỳ đầu, những cuốn sách giới thiệu cho trẻ đọc, cha mẹ hay thầy cô cần đọc trước. Điều đó có 2 ý nghĩa: 1/ để đảm bảo cuốn sách có nội dung tốt, phù hợp với tuổi trẻ. 2/ Khi trẻ trao đổi, bình luận, người lớn có thể đồng hành cùng trẻ, gây hứng thú cho trẻ. Công việc xây dựng lòng yêu đọc sách cho trẻ đòi hỏi lòng kiên trì, bởi đây là việc dài lâu và rất mất thời gian.
Có thể nói, nhờ sách mà chúng ta lớn lên, sống hiểu biết, có ích và cao đẹp. Từ những hội thảo như ngày hôm nay, và sự gắng sức xây dựng của mỗi người trong chúng ta truyền ngọn lửa đam mê sách sang người khác, chúng tôi hy vọng một ngày mai không xa, người Việt Nam chúng ta là những người ham mê đọc sách ở mọi chốn, mọi nơi, để không lãng phí món quà Chúa ban riêng cho loài người./.