TS. Ngô Tự Lập
Nhà nghiên cứu
Nhà nghiên cứu
Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta phải trả lời một câu hỏi khác: “Thế nào là mê đọc sách”? Theo tôi, đây là câu hỏi không dễ trả lời được, bởi nó quá cảm tính và phụ thuộc vào quá nhiều nhân tố không thể xác định được. Chẳng hạn, một người rất ít đọc sách vẫn có thể là người mê đọc sách - việc anh hay chị ta ít đọc sách có thể chỉ vì không có sách hay hoặc không có thời gian để đọc.
Theo tôi, cách tốt hơn là ta nên đặt câu hỏi theo cách khác: “Thế nào là lười, hay thậm chí là ghét – cho tương xứng với “mê” - đọc sách?” và sau đó trả lời câu hỏi: “Người Việt có ghét đọc sách hay không?”
Theo tôi, cách tốt hơn là ta nên đặt câu hỏi theo cách khác: “Thế nào là lười, hay thậm chí là ghét – cho tương xứng với “mê” - đọc sách?” và sau đó trả lời câu hỏi: “Người Việt có ghét đọc sách hay không?”
Theo tôi, ghét đọc sách là mặc dù có sách hay và có thời gian để đọc nhưng vẫn không đọc. Nếu chấp nhận điều này, chúng ta phải chấp nhận rằng người Việt quả là có ít đọc sách, nhưng chưa hẳn đã là không mê đọc sách.
Trước hết, phải công nhận là chúng ta đang ngày càng thiếu thời gian. Cuộc sống ngày nay giống như một cỗ máy khổng lồ đang không ngừng tăng tốc mà chúng ta không thể cưỡng lại nổi. Chúng ta thiếu thời gian không chỉ để đọc sách, mà còn thiếu cả thời gian để ăn, để ngủ, để yêu, hay đơn giản chỉ để có một khoảng trống trong tâm hồn. Đôi khi chúng ta nghe thấy những tiếng hô hào yếu ớt, rằng chúng ta phải sống chậm lại, phải ngoái lại đằng sau. Nhưng tiếng kêu lạc lõng ấy nhanh chóng bị chìm lấp đi trong những tiếng động cơ, mặc cả, cãi cọ, dè bỉu hay diễn thuyết. Ngay bản thân tôi, người mà số phận run rủi gắn với sách, cũng ngày càng cảm thấy rằng việc đọc sách đang dần dần chuyển từ niềm khoái cảm tinh thần thành một thứ nỗ lực cơ bắp.
Làm sao để có nhiều thời gian hơn cho cuộc sống, trong đó có việc đọc sách? Đó là vấn đề lớn của thời đại mà chúng ta định và không thể bàn ở đây. Nhưng hãy giả thiết rằng chúng ta có thời gian để đọc sách, chúng ta sẽ đọc gì? Thẳng thắn mà nói, chúng ta có nhiều sách nhưng có quá ít sách hay. Điều này nhiều người và bản thân tôi cũng đã nói, có lẽ tôi cũng không cần nhắc lại. Đã thế, kho sách của chúng ta lại rất mất cân đối.
Về sách dịch, khi đề xuất “Kế hoạch 500 cuốn sách” và sau đó, trong nhiều bài báo và phỏng vấn, tôi đã lưu ý hai vấn đề.
Thứ nhất, đó là tình trạng vừa thiếu, vừa yếu, vừa lệch lạc của nền dịch thuật nước nhà. “Thiếu”, là nói đến tình trạng hầu hết các tác phẩm quan trọng trên thế giới chưa hề được dịch ra tiếng Việt. “Yếu”, đó là thực trạng có rất ít bản dịch đáng tin cậy. Còn “lệch lạc” là tôi muốn nói về thực trạng khác cũng rất đáng lo ngại. Mặc dù ai cũng biết rằng trong những tác phẩm thuộc nhiều ngành, hiện cái chúng ta thiếu nhất là các sách triết học, chính trị học, kinh tế, ngôn ngữ, mỹ học..., nhưng chúng ta lại chủ yếu tập trung vào văn học. Trong sách văn học, cái cần nhất hiện nay là sách lý luận, thì chúng ta lại tập trung vào sáng tác. Trong sách sáng tác, chúng ta cũng chỉ tập trung vào các tác giả cổ điển hoặc quen thuộc của một vài nước quen thuộc, chứ ít giới thiệu các tác giả đương đại. Trong số các tác giả đương đại thì chủ yếu tập trung vào các sách thương mại, chủ yếu của Mỹ.
Thứ hai, chúng ta còn rất ít chú trọng việc dịch các tác phẩm mang tính phổ biến tri thức. Các tác phẩm kinh điển rất cần thiết, nhưng chủ yếu là đối với các chuyên gia, còn với đại đa số nhân dân, không phải ai cũng có nhu cầu và điều kiện để tiếp cận. Tuy vậy, nhu cầu học hỏi và nâng cao trình độ của nhân dân là vô cùng lớn và đòi hỏi phải có loại sách phù hợp. Loại sách này cũng có thể chia thành hai loại, loại phổ thông và loại ở trình độ cao. Loại sách phổ thông dùng cho tất cả mọi người. Nó cung cấp kiến thức một cách dễ hiểu nhưng chính xác, toàn diện và có hệ thống về từng ngành khoa học xã hội. Loại sách trình độ cao dùng cho sinh viên các chuyên ngành hẹp và cả các giảng viên đại học thuộc các chuyên ngành khác. Tuy nhiên, do trình độ thực tế của đội ngũ giảng viên đại học hiện nay, tôi cho rằng loại sách này có ích và cần thiết ngay cả đối với các giảng viên đại học trong các chuyên ngành hẹp đó.
Về sách của các tác giả Việt Nam, tình hình còn bi đát hơn gấp bội. Ngoài sách văn học, mà chủ yếu là thơ và truyện, chúng ta có rất ít thứ để lựa chọn. Tuyệt đại đa số cái gọi là “sách nghiên cứu” của chúng ta không phải là sách nghiên cứu đúng nghĩa của nó. Rất nhiều cuốn sách chỉ là tập hợp những dòng chữ nhạt nhẽo, không hề có ý tưởng gì mới, thiếu cả những trích dẫn nguồn tối thiểu. Một số cuốn đỡ nhạt nhẽo hơn nhưng về bản chất thậm chí lại còn tồi tệ hơn, bởi đó là viết lại bằng tiếng Việt những ý tưởng nhặt nhạnh từ sách nước ngoài. Nói cách khác, đó là đạo văn.
Trong bối cảnh thiếu sách hay như thế, thật là bất công nếu quy kết là người Việt ghét đọc sách. Thậm chí, việc không đọc sách, mà phần lớn là sách dở, cần phải coi là điều đáng mừng. Nó chứng tỏ dân trí của chúng ta không đến nỗi thấp kém. Tôi nói điều này không nhằm mục đích gây sốc. Tôi đã từng được mời nói chuyện với nhiều công ty, tòa soạn và cá nhân. Lòng ham hiểu biết, trí thông minh, ý chí tiến thủ và tình yêu đối với sách của họ khiến tôi luôn luôn phải khâm phục. Có những người mới chỉ ngoài hai mươi tuổi mà hiểu biết của họ đã vượt xa những hiểu biết của tôi vào tuổi bốn mươi.
Không, tôi không tin có chuyện văn hóa đọc xuống cấp. Không có chuyện người Việt ghét đọc sách. Vấn đề là có sách hay cho họ đọc hay không? Trên thực tế, những cuốn sách kinh điển do nhà xuất bản Tri Thức đã và đang được bạn đọc đón nhận. Sách hay bán chạy nghĩa là người Việt không ghét đọc sách.
Vấn đề là hãy làm ra nhiều sách hay hơn nữa, thuộc nhiều loại sách hơn nữa, cho nhiều loại độc giả hơn nữa. Tôi tin rằng sự nghiệp cao thượng đó sẽ được mọi người ủng hộ./.