Sách: Thực trạng và giải pháp

Lý Lan
Nhà văn

Tôi xin bàn thẳng vào hai vấn đề ban tổ chức hội thảo nêu ra:

  1. Thực trạng văn hóa đọc của người Việt?
  2. Những giải pháp để xây dựng và phát triển thói quen đọc sách, văn hóa đọc cho người Việt?
I- Khi chuẩn bị viết bài này, tôi đã tìm kiếm vô vọng những thông tin cần thiết để biết “thực trạng” văn hóa đọc của người Việt. Tôi không tìm đâu ra thông tin chính xác cho những câu hỏi này: Hàng năm, cụ thể là năm 2007, có tổng cộng bao nhiêu đầu sách đã xuất bản trên toàn quốc, số lượng phát hành thực sự là bao nhiêu, tiêu thụ được bao nhiêu, trung bình mỗi người Việt đọc bao nhiêu quyển sách một năm, thành phần dân chúng nào đọc sách gì, chi tiêu thời gian và tiền bạc của mỗi gia đình cho việc đọc sách là bao nhiêu, có chính sách nhà nước nào hỗ trợ công chúng đọc sách, các nhà xuất bản và công ty phát hành sách có những biện pháp gì để tìm hiểu nhu cầu và thị hiếu của độc giả, các thư viện hoạt động ra sao, kinh phí mua sách, và độc giả vãng lai như thế nào? Không có những thông tin tối thiểu này, “thực trạng đọc” của người Việt, đối với tôi, lung linh huyền ảo, trong khi thị trường sách không khác gì ma trận.


Tôi nghĩ Cục Xuất Bản là nơi có chức năng nghiên cứu những vấn đề liên quan đến “thực trạng đọc” trên nước Việt Nam, nhưng tôi không có cách tiếp cận để nhận thông tin từ nơi này. Tôi chỉ biết đến Cục xuất bản nhờ thỉnh thoảng nghe nói Cục thu hồi cuốn sách nào đó đang phát hành. Tôi có thẩm quyền gì mà đòi hỏi thông tin về “thực trạng đọc” rồi bàn cãi lung tung?

Tôi nghĩ mình có thể nói với tư cách một nhà văn mà “thực trạng đọc” của người Việt là yếu tố sinh tử trong nghề nghiệp của mình. Cái “thực trạng” chúng ta bàn cãi ở đây có thể mang tính ước đoán, giả định, dựa trên quan sát từ những góc độ khác nhau của mỗi cá nhân.

Đọc là một hành động giao tiếp giữa độc giả và tác giả, nó phải được đặt trên những qui ước cơ bản của hoạt động giao tiếp giữa con người là tôn trọng lẫn nhau và chân thành với nhau. Tôi nói “lẫn nhau” và “với nhau” để nhấn mạnh tính hai chiều của hoạt động này. Nhà xuất bàn + hệ thống phát hành sách + công ty / cá nhân kinh doanh sách hiện nay là môi trường trung gian giữa độc giả và tác giả. Cái môi trường này đang nhập nhằng, ma mãnh, ô nhiễm, khúc xạ quái đản mối quan hệ độc giả - tác giả, và phải chịu trách nhiệm về sự khủng hoảng lòng tin và quí mến nhau giữa hai đối tượng chính của cái “thực trạng đọc” hiện nay. Môi trường này khiến cho sáng tác trở thành một lao động hèn kém bị bóc lột, miệt thị, đến nỗi các tác giả phản ứng bằng sự sáng tạo giả tạo, vô trách nhiệm, tự hạ phẩm giá bản thân lẫn chất lượng sản phẩm, quay lưng lại độc giả, chỉ “viết cho mình” hay ngạo nghễ “viết tiểu thuyết ba xu”.  Môi trường này khiến độc giả cảm thấy mình bị phỉnh nịnh, lừa gạt, móc túi, bị tra tấn, bị coi thường quá đáng; và trong cõi hỗn mang sách báo ngày nay người ta cho rằng đọc càng ít thì càng ít bị ô nhiễm tinh thần. Qua khúc xa của môi trường này, tác giả và độc giả không còn nhận ra nhau, hoặc nhận ra hình ảnh méo mó của nhau, và ngộ nhận nhau.

II- Giải pháp cơ bản là làm trong sáng môi trường trung gian giữa độc giả và tác giả. Để ít nhứt thì “ngưu tầm đúng ngưu, mã tầm đúng mã”. Độc giả muốn giải trí hài lòng với những cuốn sách để giải trí, người muốn thu thập tri thức an tâm với sự chính xác thông tin trong cuốn sách đắt giá mình mua, người muốn thưởng thức văn chương không thất vọng với những sản phẩm và tên tuổi được quảng bá hay bảo kê bằng những thương hiệu và danh hiệu to tát. Tôi thú thật là chưa nhìn thấy giải pháp khả thi nào cho khổ nạn đọc hiện nay, mặc dù tôi có nhìn thấy nhu cầu truyền thụ kinh nghiệm và tri thức bằng ngôn ngữ dân tộc của một cộng đồng 85 triệu người có hai phần ba dân số dưới ba mươi tuổi (tuổi cần học cần đọc) là một nhu cầu chẳng những cần thiết mà còn khẩn thiết trong tình hình tắng tiến thần tốc của thế giới chúng ta đang sống.

Cho nên tôi không thể đánh trống bỏ dùi. Những giải pháp tôi gợi ý nơi đây có thể chỉ mang tính “gỡ ghẻ” cho một căn bệnh ung thối từ nội tạng.

Giải pháp thứ nhứt: Xây dựng những giải thưởng uy tín có vai trò sàng lọc giá trị những quyển sách các thể loại, chứ không phải là miếng thịt để chia chác giành giựt trong một cái làng nào đó. Hiện nay ở cả nước ta chỉ có những giải thưởng vừa ít ỏi vừa tai tiếng trong phạm vi sách văn học.  Đối với đa số áp đảo những loại sách khác trên thị trường, kể cả những sách cung cấp kiến thức chết người như chơi nếu không chính xác, như sách y học, kinh tế, hướng dẫn này nọ, hay tự học, tự rèn luyện, hầu như không có sự sàng lọc nào cả. Quan điểm của tôi là: bất cứ thứ sách gì cũng được quyền xuất bản, sự thẩm định giá trị, hay hướng dẫn việc đọc của công chúng cần phải do những  tổ chức có chuyên môn có uy tín đối với công chúng. Ví dụ, những bác sĩ có lương tâm nên chịu khó đọc các sách liên quan đến kiến thức y học ngoài thị trường, lập một giải thưởng hàng năm cho quyển sách phổ biến kiến thức y học có giá trị nhứt được xuất bản trong năm, với chuyên môn cộng với lương tri, giải thưởng sẽ có uy tín và có giá trị hướng dẫn độc giả, quyển sách đó sẽ được mua và đọc nhiều, gián tiếp cải tạo sức khỏe cộng đồng.

Giải pháp thứ hai: Luật pháp phải công bằng, nghiêm minh. Luật xuất bản hiện hành không câu chữ nào khẳng định cái quyền chính đáng của một tác giả là quyền truyền bá tác phẩm của chính mình. Vì những lý do kinh tế chính trị, nhà nước chưa cho phép thành lập nhà xuất bản tư nhân; nhưng không thể vin lý do gì tước quyền phân phối rau lúa heo gà tự sản xuất của nông dân, hay quyền phân phối quyển sách mà một công dân viết ra. Luật pháp phải công nhận quyền chính đáng đó thì mới ràng buộc được trách nhiệm xuất bản đúng đối tượng, và trả lại cho người sáng tác địa vị đường hoàng trong xã hội, trong quan hệ với nhà xuất bản và nhà phát hành, chứ không bị đối xử như lao động nô lệ trong cái “thực trạng văn hóa đọc” ở Việt Nam hiện nay.

Mặc dù tình trạng trẻ em bỏ học đang trong tình trạng báo động, mặc dù nền giáo dục phổ thông ngày càng mắc mỏ, mặc dù dân chúng được xoá mù chữ rồi tái mù chữ, tôi vẫn lạc quan rằng dân trí nước ta và trình độ đọc của dân ta phải cao hơn trước, và nhu cầu đọc / học của dân ta càng cấp thiết hơn bao giờ hết. Cho nên tôi cũng lạc quan rằng nhứt định sẽ có chuyển động trong thế giới sách, trong hoạt động sáng tạo và giáo dục; nếu không, chúng ta sẽ làm được cái điều mà đế quốc Mỹ đã không làm được bốn mươi năm trước: đưa Việt Nam trở lại thời đồ đá. 

Chợ Lớn, 8/3/2008