Một vài ý kiến về vấn đề đọc sách của sinh viên

Nói đến sinh viên và sách, người ta thường nghĩ đây là hai khái niệm đi đôi với nhau. Sinh viên mà không có sách, thì có lẽ cũng giống như một cây viết chì chưa được gọt, không thể viết dù chỉ một chữ. Vậy mà thời gian gần đây, giới trẻ chúng tôi thường bị mọi người than phiền về việc lười đọc sách và không am hiểu những vấn đề kinh tế, chính trị, lịch sử… trong nước, ngoài nước v.v… Nhận xét này không phải là không có căn cứ khi mà trên những show game của đài truyền hình, sinh viên chúng tôi thường bị “khớp” ở những câu hỏi về văn hóa, lịch sử, địa lý… hoặc đôi khi là những câu hỏi cơ bản về thường thức đời sống… Lượng kiến thức này ngoài việc học ở trường thì đa phần chúng ta có thể tích lũy từ sách.


Vậy thì lý do gì mà việc đọc sách chưa là thói quen của sinh viên, sách vẫn chưa là nơi sinh viên thường xuyên tìm đến để bổ sung kiến thức của mình? Theo ý kiến cá nhân của tôi và những gì tôi quan sát được từ bạn bè xung quanh, hình như chúng tôi vẫn chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc tích lũy kiến thức hằng ngày, không những trong lĩnh vực mình yêu thích mà còn là kiến thức tổng hợp. Mỗi khi cần sử dụng kiến thức của một lĩnh vực nào đó, giới trẻ chúng tôi chỉ việc lên Google, gõ key word, và nhấn enter. Thông tin tìm được quá dễ dàng. Không phải là toàn bộ, song trong những năm đại học, rất nhiều bài tiểu luận hoặc thuyết trình của sinh viên đều là kết quả của những thông tin copy từ mạng. Ít có bài nào là những điều rút ra từ việc đọc sách. Tôi không có ý phủ nhận sự tiện lợi của Internet, song dường như cái gì đến quá dễ thì “ra đi” cũng dễ thì phải. Internet có thể cung cấp thông tin, nhưng có lẽ nó không thể làm giàu kiến thức của sinh viên như việc đọc sách được. Theo tôi, khi đọc sách, chúng ta không những tìm kiếm được thông tin mà còn có cơ hội tự tổng hợp trong quá trình đọc. Và đó mới là kiến thức đọng lại lâu dài. Điều này Internet có lẽ không giúp được cho chúng ta. Nhiều người bạn của tôi bảo rằng việc cầm một quyển sách 2-3 trăm chữ và đọc là một việc vô cùng khó khăn, nhất là những quyển sách về lịch sử, kinh tế… Bởi theo những bạn ấy thì đọc sách chiếm khá nhiều thời gian, mà nội dung của những quyển sách này lại dễ gây cảm giác buồn ngủ. Vậy là chỉ khi nào cần một thông tin gì đó, giới trẻ chúng tôi lại tìm đến Internet.

Tuy nhiên, nói rằng đọc sách chưa là thói quen của đa số sinh viên chúng tôi thì đúng, song tôi nghĩ giới trẻ Việt Nam cũng không đến nỗi lười đọc sách. Có một điều mà tôi nhận thấy từ bản thân mình và bạn bè xung quanh là: thể loại sách mà chúng tôi đọc thường là sách văn học, sách hướng nghiệp, những quyển sách best seller của nước ngoài về kĩ năng trong cuộc sống, chẳng hạn bộ sách Dạy con làm giàu… Và đặc điểm chung của những quyển sách này là: chúng nổi tiếng và được quảng bá tuyên truyền rộng rãi… Chẳng phải những truyện như “Cánh đồng bất tận”, “Chuyện tình New York”, “Rừng Na Uy”.. đã tạo nên một cơn sốt trong giới trẻ hay sao? Hoặc những tác phẩm của “cha đẻ tiếp thị thế giới” Philip Kotler hay của dịch giả Nguyễn Hiến Lê đã được các bạn trẻ tìm đọc rất nhiều. Không những đọc mà còn chuyền tay và giới thiệu cho bạn bè của mình nữa. Tất nhiên một số lý do khiến chúng tôi tìm đọc những tác phẩm này là nội dung sách hay, phù hợp với trình độ và nhu cầu của giới trẻ… song có một lý do quan trọng mà tôi nhận thấy là: việc marketing cho những quyển sách này đã tác động không nhỏ đến sự lựa chọn của chúng tôi. Những diễn đàn bình luận về sách của tác giả Nguyễn Ngọc Tư, hoặc thông tin về chuyến ghé thăm Việt Nam của ông Philip Kotler đã tạo cho chúng tôi sụ hứng thú đối với các tác phẩm của họ. Ngay cả bản thân tôi cũng cảm thấy an tâm và tin tưởng vào những quyển sách đã được giới thiệu rộng rãi trên báo chí, hoặc những quyển sách được các tạp chí đưa vào danh mục “bán chạy nhất trong năm”, hoặc đơn giản là một quyển sách được một người bạn khen nức nở chẳng hạn… Có lẽ ít có bạn nào tìm mua một quyển sách mà mình không biết về tác giả hoặc không biết nội dung hay dở như thế nào.

Qua một vài nét về tình hình đọc sách của sinh viên hiện nay, tôi nghĩ rằng biến việc đọc sách thành một thói quen của giới trẻ cũng không phải là quá khó. Nếu đã biết rằng thị hiếu của bạn trẻ là tìm mua những tác phẩm nổi tiếng, được marketing tốt thì tôi nghĩ rằng tăng cường marketing cho sách hay là một việc hết sức cần thiết, cho dù đó là sách ở thể loại gì hay về lĩnh vực gì. Sách hay thì có lẽ có nhiều, nhưng sách được markting tốt hiện nay lại không nhiều lắm. Tuy nhiên, việc marketing sách hay cho giới trẻ không những phải được làm thường xuyên mà có lẽ phải mang một phong cách trẻ trung, hiện đại hơn đối với những đối tượng khác. Tại sao chúng ta không mời một nhân vật 8x, 9x nổi tiếng hoặc một người nào đó có ảnh hưởng đến giới trẻ Việt Nam hiện nay giới thiệu về cuốn sách mà họ đã đọc, hoặc tổ chức những buổi  trao đổi về một quyển sách nào đó. Tôi tin rằng, các bạn thanh niên sẽ có hứng thú và tìm đọc những tác phẩm mà ca sĩ Hà Anh Tuấn chia sẻ giới thiệu, hoặc những tác phẩm mà tiến sĩ Lý Quý Trung gối đầu giường chẳng hạn… Một ý tưởng khác đó là lập ra CLB đọc sách – một CLB không những giới thiệu sách hay mà còn hướng dẫn các bạn làm sao để đọc sách đúng và có hiệu quả. Cũng có thể tổ chức những cuộc thi đọc sách cho giới trẻ với nhiều hình thức như: viết bài cảm nhận về sách, một bài power point để các bạn tự giới thiệu sách mà mình yêu thích, hoặc có thể là dựng một hoạt cảnh để các bạn có thể trình bày sự hiểu biết của mình sau khi đọc sách. Tôi nghĩ với những hình thức như thế này, việc đọc sách, ngay cả những sách ở thể loại kinh tế, lịch sử… cũng sẽ không còn quá khô khan đối với sinh viên, hơn nữa còn tạo ra một sân chơi giao lưu học hỏi thú vị và trẻ trung cho thanh niên. Và tôi nghĩ trang web SachHay.com có thể sẽ là một địa chỉ đáng tin tưởng để giới thiệu những chương trình này đến giới trẻ Việt Nam.

Đó là một vài ý kiến của tôi về vấn đề đọc sách của sinh viên hiện nay. Hi vọng trong tương lai chúng ta sẽ thường xuyên bắt gặp hình ảnh sinh viên đọc sách trên xe bus hoặc trong ghế đá của trường, và hai khái niệm sách và sinh viên sẽ lại là hai khái niệm luôn gắn liền với nhau./.

Nguyễn Thị Thanh Vân - Sinh viên trường ĐH Ngoại thương