Sách và thời gian sống

Nguyễn Chí Hoan 
Nhà phê bình

Đọc sách vẫn luôn là một việc cá nhân và do đó luôn đa dạng và phức tạp như chính bản thân đời sống xã hội. Dù là một cuốn sách công cụ hay sách giải trí, một cuốn từ điển chuyên ngành hay một cuốn tiểu thuyết, một e.book hay một “câu chuyện truyền thanh”, thì giao tiếp giữa người với sách vẫn luôn là một giao tiếp riêng tư và mật thiết.
Bởi vậy, khi vấn đề đặt ra là xúc tiến việc đọc sách như một vận động cải thiện nhân quyển trên tầm mức xã hội rộng rãi, cải thiện một môi trường văn hoá, có lẽ trước hết cần tránh một lối đi kiểu “phong trào” mà ít nhiều chúng ta đều đã quen và chưa chóng quên.

Trong khuôn khổ mục tiêu của diễn đàn này, thiết nghĩ có thể coi vấn đề của việc đọc sách là vấn đề về thời gian: Tôi có thời gian cho một cuốn sách/cho việc đọc nói chung, hay không?

Một yêu cầu mà Hội thảo này đề ra là nhìn lại thực tế việc đọc sách ở Việt Nam. Nhưng có lẽ, ít ra đối với bất kỳ ai có quan tâm, đó là một thực tế nhỡn tiền ai cũng thấy. Tuy nhiên, ta hãy xem qua một thống kê chính thức: năm 2007, tổng số bản sách đã xuất bản là 276.446.872 bản, trong đó, phần lớn nhất thuộc về lĩnh vực sách giáo khoa, giáo trình và sách tham khảo với 222.734.052 bản; phần lớn thứ hai là sách cho thiếu niên, nhi đồng với 24.670.554 bản; phần nhỏ nhất thuộc về mảng sách văn học (trong số 7 lĩnh vực theo phân tổ thống kê) với 2.134.534 bản (nguồn: Cục Xuất bản/Báo cáo…).

Một liên hệ rất sơ giản và định tính: Khối sách – giáo trình – tham khảo với những lời kêu gọi “giảm tải” cho học sinh phổ thông và cải cách bậc đại học; khối sách thiếu nhi với những mối băn khoăn về một “nền văn hoá truyện tranh Nhật Bản” lấp ló đầy đủ những yếu tố bạo lực, gợi dục, quái đản và một tinh thần võ hiệp “hiện đại hoá”, một kiểu tạo dựng thực tại “cảnh tượng” nuôi dưỡng ảo tưởng, thuần tuý giải trí và “ru ngủ” tư duy có lẽ không kém gì T.V và Games; mảng sách văn học “mỏng dính” về số lượng chí ít cũng nói lên xu hướng thống trị bầu khí xã hội là những mối quan tâm khác: từ kinh tế – tài chính đến những nhu cầu thiết thân công việc, sức khỏe, ăn mặc ở và giải trí, v.v… Sẽ thiếu sót nếu không nói đến lĩnh vực sách vở tôn giáo, trong thống kê nêu trên được kể chung với sách văn hoá - xã hội – nghệ thuật và hẳn chưa là một thống kê đầy đủ (- 8.910.536 bản/nguồn đã dẫn), đang khi và mối quan tâm dành cho các hoạt động tín ngưỡng và tâm linh truyền thống hồi phục mạnh mẽ.

Lẽ đương nhiên cái thực tại đó của sách cũng như việc đọc cái khối sách vở đó không hề là một thực tại thuần nhất, dù ở mức độ nào. Nhưng các khuynh hướng không đáng mong muốn, nhìn từ góc độ “văn hoá đọc”, là thực sự rõ ràng và nổi trội: sách vở định hướng thi cử và bằng cấp; sách nhằm giải trí thuần túy, kể cả một số đầu sách “văn học”.

Một tinh thần thực dụng ngắn hạn và trung hạn rất đặc biệt của một thời kỳ thị trường tự do hoá, thậm chí là thực dụng “cò con”, đã tiêm nhiễm vào tinh thần thời đại; trong đó không thể nói là không có vai trò của sách, đồng thời là với sự biểu thị qua sách nói chung. Tệ nạn mua bán bằng cấp và gian trá trong một vài “công trình khoa học” không thể không khiến ta nghĩ rằng cái  thực dụng ấy ( - mức độ ngôn từ nhẹ nhất để nói về nó, thậm chí gần như một uyển ngữ!) đã để lại những di họa trong sách và trong việc truyền bá tri thức. Hệ quả tệ hơn của việc này là: những thứ sách vở “đồ giả không bản sao” đó (- F.Badré/Tương lai Văn học) vẫn hòa trong dòng chảy chung các diễn ngôn khoa học – giáo dục và sự nhiễm độc chậm mà chúng mang lại cho người đọc dường như không phải qua một lưới lọc nào. Tình trạng này hiển nhiên cũng đúng với một số sách vở khác trong văn chương giải trí, trong những “sách tham khảo” bất nhất về thống và hệ, trong những sách bàn về tín ngưỡng và tâm linh theo kiểu tò mò, v.v…

Thiết nghĩ một cuộc vận động xúc tién “văn hoá đọc” phải đối mặt với tình thế của sách và việc đọc sách như vậy; và lâu nay đây dường như vẫn chỉ là một “Mission Impossible”.

Điều có lẽ là thách thức  khó khăn nhất trong việc này nằm ở chỗ sự đọc là một công trình cá nhân, người đọc là người quyết định cuối cùng trước cái ngõ vào độc đạo và mật thiết giữa những gì một cuốn sách đưa ra với thế giới tinh thần của cá thể tiếp nhận các thông tin / thông điệp ấy.

Theo thói quen, ta thường xem đọc sách như một “việc” giữa những “việc” khác trong thời gian biểu của mình. Một “việc”, về mặt ý niệm, giống như một đơn tử trong cái tập hợp các hoạt động với những mức độ vận trù khác nhau trong một khoảng thời gian định trước.

Nhưng ta hãy liên hệ đến một trong những lời tán thán (- vô nhân xưng, theo kiểu N.L -) rất nổi tiếng: (Tôi) Luôn làm việc, làm rất nhiều việc, để rồi bỗng một hôm phát hiện ra rằng cuộc đời mình sao thật trống rỗng, thiếu một ý nghĩa. Ở đây rõ ràng ta không nói đến khía cạnh triết lý mênh mông quen thuộc của khẳng định này; điều chúng tôi thấy chính là ở chỗ người ta cảm thấy “mất đi một phần đời mình” trong những công việc liên miên; và đó cũng là một “quả trứng Colombo”: mỗi “việc” làm tiêu thụ một khoảng thời gian trong đó ta vẫn hít thở, có thể ăn uống v.v… và đều đặn quả tim vẫn co bóp nhịp nhàng, tâm trí vẫn có thể bận rộn với những quá trình riêng của nó, tóm lại là một khoảng thời gian sống đã “chặn trên” về nguyên tắc. Liệu đây có phải là một suy luận quá nhiều cảm xúc hay không?

Cho dù là thế, thực tế thật khó khăn khi đề cập một vấn đề ở cấp độ cá nhân mà phải loại trừ cảm xúc của cá nhân đó. Chính đó là điểm mà chúng tôi thiết nghĩ việc đọc sách phải đặt vào một phần đáng kể trọng tâm của mình.

Cũng như mọi “việc”, “việc” đọc sách nên được nhấn mạnh từ phía nó là một phần thời gian để sống của người ta, không tách rời, không chỉ có vị thế của một đơn tử liên kết tạm bợ với một quá trình vận động hướng ngoại nào đó. Bạn tất nhiên có quyền cân nhắc đến từng khoảnh khắc của thời gian sống: tại sao lại nên đọc cuốn sách này mà không nên đọc cuốn kia? Tại sao lại phải đọc thay vì để thời khoảng đó làm một “việc” gì “thiết thực” hơn? v.v…

Đối chiếu với thực trạng của “văn hoá đọc” hiện nay, để trả lời câu hỏi Tôi có thời gian dành cho cuốn sách này hay không? Thiết nghĩ toàn bộ nỗ lực xúc tiến một “văn hoá đọc” lành mạnh trước hết cần hướng đến những con người cá nhân. Các chương trình theo mô thức phát triển cộng đồng hẳn sẽ là những kênh tốt nhất để thúc đẩy việc đọc sách lành mạnh. Hai đối tác chính trong vận động này là các cá nhân và các thể chế xuất bản. Chúng ta rõ ràng cần có nhiều sách tốt, giá rẻ và dễ mang theo người. Nếu không giải quyết được việc đó thì sẽ thật khó hình dung ta sẽ xúc tiến sâu rộng “văn hoá đọc” như thế nào. Phần việc còn lại là thuyết phục và chỉ dẫn – một công việc cam go của tinh thần tự nguyện – làm cho những người đọc tiềm tàng thấy rằng dành một phần thời gian sống cho việc đọc sách, họ sẽ được tôn trọng hơn./.