Càng ít thời gian, càng cần đọc sách

Bùi Văn 
Thư ký Tòa soạn VietNamNet
 
Có lẽ đây là một nghịch lý nhưng có thực. Cuộc sống chúng ngày càng đòi hỏi mỗi người phải nâng cao trí tuệ. Tuy nhiên, cuộc sống chúng ta cũng ngày càng bận rộn nên mỗi người phải tìm được con đường ngắn nhất để đạt đến trí tuệ.


Không may là hiện nay chúng ta có quá nhiều con đường để lựa chọn, và những con đường thoáng nhìn có vẻ hấp dẫn nhất thường lại không phải con đường đúng nhất.

Đầu năm 2007, một khảo sát trong giới tuổi teen ở Thái Lan đã đưa ra kết quả đáng báo động. Bình quân mỗi ngày, tuổi teen ở đó dành 180 phút nói chuyện qua điện thoại, 120 phút cho internet, và chỉ 12 phút đọc sách báo. Nếu chỉ tính thời gian đọc sách, có lẽ còn ngắn hơn 12 phút.

Con đường hấp dẫn

Một chuyên gia của Liên hợp quốc đã từng đề xuất khái niệm táo bạo và cực đoan: Nếu không biết dùng máy tính thì coi như mù chữ. Xa hơn nữa, nếu không dùng internet thì coi như đã bị tách rời khỏi thế giới.

Tất nhiên khái niệm này không (hoặc chưa) được chấp nhận. Nhưng đó cũng là một điều cho thấy máy tính và internet đã trở thành con đường hấp dẫn như thế nào?

Hãy giả định chúng ta muốn tìm hiểu về thế giới phù thủy. Nếu vào Google và tìm chữ “đũa thần”, chỉ trong 0,14 giây chúng ta tìm được hơn 1 triệu địa chỉ có chữ này. Nếu tìm chữ “phù thủy”, chỉ trong 0,07 giây chúng ta tìm được hơn 2,5 triệu địa chỉ có chữ này.

Có thể ai đó sẽ có đủ thời gian và kiên nhẫn để đọc hết hơn 3,5 triệu trang web như vậy. Nhưng liệu sau đó họ có hiểu thế giới phù thủy tốt hơn một người đọc bộ sách Harry Potter? Liệu họ có bảo đảm không bị tẩu hỏa nhập ma trước khi kết thúc hành trình?

Quá trình sàng lọc

Trước đây chúng ta thường nghe những than phiền là thiếu thông tin. Với thời đại internet ngày nay, câu than phiền đã khác. Thông tin quá nhiều đến mức không biết phải sử dụng như thế nào.

Trong khi khuôn khổ của một cuốn sách là có hạn, thì khuôn khổ của internet dường như là vô hạn.

Trong đó, bao gồm cả nhưng thông tin chưa được kiểm chứng, cả những thông tin cố tình đưa sai lệch vì mục đích xấu hay đơn giản là mục đích “trêu đùa” người đọc.

Trong đó, có cả những thông tin nghiêm túc nhưng dễ dẫn người đọc đi lạc hướng. Ai đó đang tìm hiểu về thế giới phù thủy, nhưng đọc được trang về phù thủy Calisto thì lại đi lạc vào chuyện bóng đá, vô tình quên mất mục tiêu ban đầu.

Trong đó, có cả những kết luận hay quan điểm mà người đưa ra không hề có ý định chịu trách nhiệm.

Nhưng chính những hỗn độn đó là một đặc điểm tất yếu của internet. Chúng ta khó có thể hy vọng internet sẽ được giới hạn trong khuôn khổ những thông tin và tri thức đã được kiểm chứng và công nhận. Những nỗ lực làm điều đó chỉ là vô vọng, làm cho internet mất đi một phần tính hấp dẫn.

Rất may là xã hội vẫn còn tồn tại hệ thống sàng lọc những thông tin này. Có 4 điều chắc chắn. Thứ nhất, không có tác giả nào chịu viết một tác phẩm gồm những mớ thông tin lộn xộn và vô lý, để vừa mất công sức vừa mất uy tín cá nhân. Thứ hai, không có nhà xuất bản nào chịu xuất bản một sản phẩm như vậy. Thứ ba, không có nhà phát hành nào chịu phát hành những sản phẩm như vậy. Thứ tư, không có người tiêu dùng nào chịu bỏ tiền ra mua sản phẩm như vậy.

Không chỉ là thông tin, mà còn là tri thức

Học giả Russell Ackoff (trường quản trị Wharton, Hoa Kỳ) từ đầu thế kỷ 20 đã phân định 5 chặng đường để đạt tới trí tuệ con người như sau:

Dữ liệu (data): Có thể tồn tại dưới mọi hình thức tự nhiên, tự thân không mang theo ý nghĩa. 

Thông tin (information): Các dữ liệu được liên kết với nhau để trả lời các câu hỏi: ai, cái gì, ở đâu, khi nào.

Kiến thức (knowledge): Nâng cao thông tin lên một bậc để trả lời câu hỏi: như thế nào.

Hiểu biết (understanding): Nâng cao kiến thức lên một bậc để có thể trả lời câu hỏi “tại sao”.

Trí tuệ (wisdom): Bao gồm các hiểu biết đã được đánh giá và tổng hợp để có thể tự đặt ra các câu hỏi mà chưa có câu trả lời, để tự mỗi người định ranh giới đúng - sai hay xấu - tốt.

Mọi hình thức đọc, dù để học tập, dù để thỏa mãn tính tò mò, dù để giải trí, hay là gì đi nữa cũng dẫn dắt người đọc đến cái đích sau cùng là trí tuệ.

Trên con đường đi đến đích, chính hệ thống sàng lọc nói trên đang giúp đa số người đọc không bị lạc trong một rừng rậm các dữ liệu và thông tin, và cả một rừng rậm những kiến thức không được kiểm chứng.

Tất nhiên, vẫn có những người dư thừa thời gian, thích lang thang trên internet để tự mình sàng lọc thông tin và kiến thức, để tự mình hiểu biết và nâng lên tầm trí tuệ. Nhưng lượng thời gian tiêu tốn không phải là ít.

Còn những người thiếu thời gian, họ phải cậy nhờ vào hệ thống sàng lọc. Chính vì vậy mới có điều tưởng như nghịch lý: càng thiếu thời gian, càng cần đọc sách.

Sách và internet: Bổ trợ nhau, không thay thế nhau

Chữ viết đã có cách đây khoảng 5 ngàn năm, còn sự phổ biến của internet dưới hình thức web mới có cách đây khoảng hơn 10 năm. Chính vì sự khác biệt quá lớn về thời gian như vậy, những kho tàng khổng lồ của tri thức nhân loại vẫn đang được lưu trữ chủ yếu dưới dạng sách.

Nhưng sự phát triển như vũ bão của internet đáng để chúng ta hy vọng vào một ngày nào đó, toàn bộ kho tàng tri thức của nhân loại sẽ được đưa lên internet. Quan trọng hơn, hệ thống sàng lọc của internet sẽ giúp người đọc có được con đường ngắn hơn và mạch lạc hơn để đạt tới trí tuệ.

Trong khi chờ đợi đến ngày đó, internet một phần làm mất đi sức hấp dẫn của việc đọc sách, nhưng cũng một phần bổ trợ cho giá trị của đọc sách.

Từ nhiều năm nay, những cuốn sách hiện đại đã kèm theo các địa chỉ internet để người đọc có thể tìm thêm những thông tin mở rộng, mà không thể in hết trong khuôn khổ giới hạn của cuốn sách. Những cuốn sách đó đã giúp mỗi người sử dụng internet chọn lọc được trong hàng tỉ trang web, để đi thẳng đến những địa chỉ mình quan tâm.

Đồng thời, đã có những trang web tận dụng khả năng lan truyền của internet để người đọc sách chia sẻ (và tranh luận) với nhau về giá trị của một cuốn sách: những điểm hay - dở, những điểm đúng - sai, những điểm mới - cũ… Bởi vì không chỉ internet mà sách cũng cần được sàng lọc cho thích hợp với từng đối tượng người đọc.

Đó là điều mà internet, tuy chưa thể thay thế sách, nhưng có thể làm tăng giá trị của sách./.