Thư gửi Hội thảo “Người Việt có mê đọc sách?”

Nguyễn Trung
 
Kính thưa Ban tổ chức Hội thảo,

Trước hết xin cho phép tôi chân thành cảm ơn Ban tổ chức đã có nhã ý mời tôi tham dự hội thảo này, chỉ tiếc là đường xa, tôi không tới được, xin chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.


Dưới đây, xin cho phép tôi qua thư này chia sẻ đôi điều:

Sáng kiến của SachHay.com tổ chức Hội thảo này nhằm cổ vũ phong trào đọc sách là nỗ lực rất đáng trân trọng, mong sao Hội thảo góp phần thôi thúc sự đam mê đọc sách trong cả nước, nhất là ở giới trẻ.

Nếu được hỏi “Người Việt có mê đọc sách?”, tôi xin trả lời “có” và “không”, và trả lời thế nào cũng có lý – vì câu hỏi cho phép trả lời như thế. Tuy nhiên, nếu so với những nước tôi đã đi qua, có lẽ người Việt ta chưa mê đọc sách bằng nhiều nước ở Tây Âu, Mỹ, Nhật, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc... Tôi rút ra nhận xét như vậy qua những lúc ngồi chờ tại các nhà ga, sân bay, trên tầu hỏa ở nước ngoài, trên các chuyến bay.., rồi so sánh với những lúc mình ngồi chờ như thế ở trong nước.., và tôi chắc nhận xét này không sai. Tôi tin vào nhận xét này qua giao tiếp ngẫu nhiên với mọi “tuýp” người khác nhau trong mọi tình huống khác nhau trong những khi ngồi chờ như thế – thấy họ biết nhiều và hiểu được rằng họ đọc nhiều. Đọc một vài cuốn tiểu thuyết đương đại của nước ngoài, tôi càng tin như vậy.

Viết thư này gửi Hội thảo, tôi liên hệ đến chuyện ngoài đời: Đó là hai nhân vật Mỹ - Ronald Reagan và Anold Scwazenegger - là tài tử đóng phim; về sau một trở thành tổng thống Mỹ, một trở thành thống đốc bang California, cả hai đều khá nổi tiếng trong vai mới của mình là chính khách. Với cách nghĩ của người Á Đông, tôi cứ tự hỏi mình tại sao hai tài tử này có thể làm nên bước ngoặt cuộc đời như thế? Đương nhiên họ phải là người tài rồi, và phải trong bầu trời Mỹ... Song đời riêng cả hai đều có một điểm chung là thích đọc sách. Tôi hiểu thêm sách là gì.

Tất nhiên, không phải cứ mê đọc sách sẽ trở thành tổng thống hay thống đốc, song rõ ràng không thể có trường học nào thay thế được sách, lại càng không thể theo học tất cả mọi trường học các loại để thỏa mãn yêu cầu hiểu biết của mình – nghĩa là chỉ còn cách phải tìm sách mà đọc. Đó cũng là con đường ngắn nhất đi tới hiểu biết cuộc sống đang ngày càng mở rộng với vận tốc ngày càng nhanh. Đọc sách sẽ giúp mình được rảnh rỗi hơn nhiều trong công việc, bình tĩnh hơn nhiều trong cuộc đời. Càng nhiều tuổi, tôi càng thấm thía: càng bận bịu, bức xúc bao nhiêu, thì càng phải cố tìm chọn sách mà đọc bấy nhiêu. Không tin các bạn cứ ngẫm mà xem.

Đọc mà vỡ vạc ra được điều gì thì sướng lắm, tranh luận trong đầu với sách nhiều khi cũng lý thú không kém. Vì đọc trước hết là để thỏa mãn chính mình, nên tôi thấy đọc thường là một niềm vui, dù rằng không hiếm khi đó là một thứ lao động khổ sai, mất ăn mất ngủ. Dần dà tôi càng hiểu sách là thày, là người đối thoại, có khi là cả hai... Cứ thế, tôi trở nên… ương bướng thêm tý chút, không dễ dàng chấp nhận một cái gì, đồng thời cũng tự tin hơn. Trong cuộc sống tôi thấy ương bướng thêm một chút như thế và tự tin là cần thiết, sẽ đỡ bị bắt nạt, cũng đỡ lầm lạc. Tôi nhận ra: Đọc sách góp phần đáng kể vào việc soi rọi, bổ khuyết cho mình, điều chỉnh lại chính mình. Có lẽ vì thế tôi không dễ bị tuyên truyền, không dễ bị tác động. Sống như thế, tôi tiêm nhiễm thói quen không thích thưởng thức những món ăn được làm sẵn... Phản xạ tự nhiên, tâm hồn và lý trí trong tôi cứ thế cùng nhau làm nên sự ứng xử của tôi –  đối với chính mình và đối với cuộc đời. 

Phải chăng nhờ vậy tôi không cảm thấy sợ hãi trước những gì được gọi là phản động, là văn hóa độc hại? Tuy nhiên tôi lại thấy mình rất dị ứng với những gì là giáo điều, sáo rỗng, nhàm chán... Điều này mang lại cho tôi một cái lợi quan trọng khác nữa: Khi viết cho công luận tôi cũng phải tự răn mình “cái gì mình không thích chắc người cũng chẳng ưa” và không được đánh giá thấp người đọc. Thú thực, đôi ba lần tôi cảm thấy bị xúc phạm khi không nuốt nổi cái mình được đọc, hoặc giả vì người viết “khôn” quá, giữ kín võ và dành lại cái dại cho người đọc; hoặc giả người viết chỉ nói lên sự thật một nửa – có nghĩa không phải là sự thật, có thể để giữ “an toàn” cho riêng mình? ... và mặc kệ người đọc, thậm chí có khi bất chấp cả lẽ phải... Chính vì đôi ba lần cảm thấy bị xúc phạm như thế, tôi bấm bụng tự nhắc nhở mình phải tôn trọng người đọc khi viết – mình có thể đúng, có thể sai, thậm chí có thể không viết, nhưng không được nói dối hay đánh lừa, càng không được nói xạo hay áp đặt.

Cùng với thời gian, ngày một ngày hai tôi hiểu đọc sách cũng là một cách để xác định chính mình.

Đọc cũng có cái khổ của nó, nhất là khi đọc để viết cái gì đó.

Để làm chỗ dựa cho những điều mình viết ra, tôi thường phải dựa vào sách – vì hiểu biết mình có hạn, mà trí nhớ ngày càng hao hụt. Nhưng quả thật nhiều khi tìm mỏi mắt – dù ở quầy sách hay trong thư viện, hiếm khi tôi tìm được cái mình cần, nhất là một khi đòi hỏi phải nâng cao một chút tính khoa học, tính triết lý của vấn đề.

Đương nhiên lỗi tại kiến thức của tôi là chính, song phải thừa nhận chất lượng sách của ta còn thấp so với thế giới bên ngoài ở hầu như mọi lĩnh vực: khoa học, văn học, triết học… Cho dù tôi đã từng đọc đâu đó rằng nước ta có chỉ số đầu sách tính theo đầu người cao nhất trong các nước ASEAN, rằng số sách xuất bản hàng năm tính theo đầu người ta không thua kém bất kỳ nước nào trong khu vực!..

Chẳng lẽ cứ phải “ăn bám” vào sách nước ngoài? – đành rằng trí tuệ không có biên giới.

Thú thực, có những trường hợp tôi hoàn toàn không dám dựa vào sách các tác giả nước nhà trong tầm với của mình khi phải viết một thứ gì đấy liên quan đến triết học. Bí đến mức tôi tự hỏi mình: Hay là nước ta không cần triết học? Khi viết về kinh tế, tôi cũng lao đao không kém: Toàn là những thứ người viết, đi học người, mỏi mắt mà không thấy cái gì có chất lượng một chút là của người mình viết, là của mình, từ cuộc sống của đất nước mình!...

Còn sách văn học? Việt Nam là một nước mạnh về văn xuôi đấy, thế nhưng... sao trên văn đàn vẫn quá lác đác những tác phẩm lay động lòng người? Nếu chúng ta nhìn sang Trung Quốc, sang Nhật, nhìn ra xa nữa... sẽ càng thấm thía điều này.

Đương nhiên tôi vẫn thừa nhận khó khăn của tôi là do kiến thức tôi hẫng hụt là chính. Tôi chắc dự hội thảo này có rất nhiều người cầm bút, vì thế xin được giãi bầy như vậy để cầu mong: Nước ta sẽ ngày càng nhiều đầu sách có chất lượng. Làm được thế, sẽ khuyến khích mọi người trong nước ta đam mê đọc sách.

Đến đây, tôi xin lỗi trước những vị nào tham dự hội thảo này với tính cách là đại diện cho nhà xuất bản. Xin nói thực lòng: Tôi ngán công việc biên tập của các vị lắm! Nếu đấy là những công việc sửa lại bố cục rườm rà của sách, bớt những câu văn luộm thuộm làm khổ người đọc, làm đẹp ngôn ngữ... tôi xin cảm ơn và nhiệt liệt hoan nghênh. Song điều làm tôi ngán là đứa con tôi dứt ruột đẻ ra, nhưng khi được xuất bản để chào đời với bạn đọc thì nó có nhiều chỗ không còn là nó nữa! Và xin các bạn thử hình dung: Nếu con của bạn có ngón tay út tự nhiên ngắn lại một chút so với bình thường, bạn có vui không? Hay là cái chim của thằng cu nhà bạn bỗng dưng lẩn biến đi đâu mất!...

Tôi hiểu những cấm kỵ nhà xuất bản phải tuân thủ. Tôi nói lên nỗi ngán của mình chính là để chia lửa với nhà xuất bản. Chắc chắn nhiều người cầm bút cùng một tâm huyết với nhà xuất bản trong việc đứng lên tự mình giải tỏa những cấm kỵ này, cổ vũ nhà xuất bản tin tưởng vào người đọc.

Tôi cũng muốn nhân dịp này cổ vũ người giữ tay hòm chìa khóa trên lĩnh vực tinh thần tôn trọng người đọc, dành quyền phán quyết cho người đọc, chỗ nào không cho phép thì cứ thẳng thắn ghi “Kiểm duyệt, bỏ!..” cho đàng hoàng. Ta là chủ nước của ta mà...

Nhưng mà sao lại phải có “tay hòm chìa khóa” trên lĩnh vực tinh thần nhỉ? Vì làm gì có cái khóa nào khóa được suy nghĩ con người? Thế nhưng con người có thể hướng thiện hay ngả theo cái ác tùy theo khả năng phán xét của nó tích tụ được. Nếu vậy câu chuyện sẽ là giúp cho con người tích tụ cái gì chứ không phải là dùng cái khóa. Tích tụ cái gì, thì chính đấy lại là công việc của nhà xuất bản có lương tri và có “tay nghề” – và cuộc sống rất công bằng: tích tụ gì thì được nấy. Tích tụ thằng bé thiếu chim, chúng ta sẽ có những đứa bé thiếu chim, làm sao khác được? Một đứa cháu gái tôi làm ở công ty dịch vụ tuyển lao động có kỹ năng (tôi gọi vui là “công ty săn đầu người” vì cung quá nhỏ so với cầu, phải đi săn của hiếm) cho biết: tất cả những người được tuyển chọn đều phải đào tạo lại về chuyên môn, và cả về kỹ năng giao tiếp nữa! Rõ ràng tích từ nền học vấn của chúng ta như thế nào thì đầu ra được như thế nấy – trong đó có cả chuyện liên quan đến sách và đọc sách. Câu chuyện của cháu tôi làm tôi vừa lo vừa xấu hổ, nhưng lo nhiều hơn xấu hổ.

Tuy nhiên, các con số tôi đọc được, những quyển sách tôi cầm được lên tay mà không dùng được, tôi phải xin thưa với hội thảo tình trạng sách “lá cải” của ta còn độc hại hơn bất kể thứ sách báo phản động, khỏa thân hay đồi trụy nào. Tôi đánh giá như vậy đấy. Trước hết bởi vì chúng vô bổ và lãng phí, do số lượng nhiều quá, lại được hợp thức hóa nữa – nghĩa là được công nhận là chính thống. Song nghiêm trọng hơn nhiều đó là những thức ăn “lá cải” này nếu được tiêu hóa, nó sẽ làm dị dạng tinh thần và tâm hồn con người, đại loại sẽ là một thằng bé bị bệnh đao, nếu không thì lại là thằng bé thiếu chim – nghĩa là người không ra người. Mà chuyện “lá cải” như vậy thì nhà xuất bản phải tự mình gánh lấy, tôi không chia lửa đâu.

Nói lên tâm tư như vậy với nhà xuất bản, tôi mong ước có nhiều sách hay lôi cuốn người đọc.


Hội thảo này là nơi thích hợp nhất cho tôi nói lên lời cảm ơn sâu sắc dành cho nhà xuất bản Tri thức, đồng sáng lập viên của SachHay.com và thành viên trọng yếu trong Ban tổ chức.

Tôi mê sách, có thú vui săn lùng sách bất kể nơi đâu tôi đặt chân tới – với điều kiện có vài xu trong túi. (Có lần tôi vào một hiệu sách ở Trung Quốc, tiếng Hoa không biết, cứ nhờ cô bán sách dịch cho cái tựa, khổ một nỗi tiếng Anh cô ta kém quá, tôi ôm đại một chồng về nước, vậy mà cũng vơ được mấy quyển có giá trị - trong đó có quyển “Nông dân Trung Quốc” rất có ích cho công việc của nhóm nghiên cứu chúng tôi...). ...Thế nhưng tôi vẫn có cảm giác như người khát được nước uống khi nhà xuất bản Tri thức ra đời và được cầm trong tay các ấn phẩm của nó. Tôi “uống” những ấn phẩm này cho cơn khát của tôi các bạn ạ - ...và hình như tôi cũng uống thay cơn khát của nhiều người khác nữa – không biết như thế có ngạo mạn không, nhưng thực lòng tôi có cảm nghĩ như vậy, vì cảm nghĩ biết ơn lớn quá.

Sách ta viết “đọc được” còn thiếu lắm, trong khi đó kho tàng trí tuệ của nhân loại ngày càng phong phú, dân mình thiệt thòi nhiều quá các bạn ơi!.. Thật khó mà nói lên được cái khủng khiếp của nghèo nàn trí tuệ, dịch sách nước ngoài là sự đền bù đích đáng nhất.

- Không chỉ có vậy, - một ví dụ khác: Tôi đã được học Kant, sau lại được đọc Kant từ bản gốc, thế nhưng quả thực đến khi đọc Kant qua bản dịch của Bùi Văn Nam Sơn, tôi nghĩ rằng bây giờ mình hiểu thêm Kant một chút – với lòng biết ơn vô hạn. Có điều kiện làm công việc so sánh như thế, tôi hiểu thấm thía công việc – nói cho chính xác là nghĩa vụ - của nhà xuất bản Tri thức và các dịch giả.

Câu hỏi “người Việt Nam có mê đọc sách?” – tôi vẫn xin trả lời “có” và “không”, với nghĩa đọc sách chưa thể nói là một niềm đam mê lớn, và càng chưa trở thành một văn hóa sâu rộng ở nước ta – nhất là đem ta so với người. Lại càng thiếu vắng tiếng nói mạnh mẽ từ phía người đọc khen hay chê sách – cho dù khen hay chê theo một thị hiếu hay quan điểm nào. Đơn giản là có hình thành sự khen chê sôi nổi, khen chê quyết liệt, thì chân thiện mỹ mới lộ ra và sáng tỏ, cái tà đạo sẽ bị phơi trần. Có sôi nổi và quyết liệt như thế, con người sẽ bớt dần phản xạ theo bản năng bầy đàn, để ngày càng phản xạ theo ý thức tự giác, tự bồi bổ cho mình khả năng phản xạ theo ý thức tự giác. Đọc sách trong khen chê sôi nổi sẽ là một trong những con đường hữu ích nâng cao quyền năng con người, xây dựng con người có ý thức tự nó và biết vì nó. Phải, có ý thức tự nó  vả biết vì nó, bản năng con người sẽ được tâm hồn và trí tuệ trau chuốt, dẫn dắt. Con người sẽ là gì? – hay là ai, một khi bản năng, tâm hồn và trí tuệ cùng nhau hài hòa tạo nên chính nó?

SachHay.com hiện nay đang có diễn đàn giới thiệu sách hay, nơi bạn đọc chia sẻ thông tin và niềm vui về sách hay. Tôi hy vọng diễn đàn này đông người đến thăm, dấy lên phong trào đọc sách trong cả nước. Với tố chất của con người Việt Nam ta, đọc sách và sách hay chắc chắn sẽ là một động lực quý báu của đất nước. Tự phong trào đọc sách và chọn lọc sách hay sẽ loại bỏ các sách  “lá cải”, tạo môi trường sống cho sách hay. Một Việt Nam chấn hưng – nói như mong ước của Bác Hồ “một Việt Nam có thể sánh vai cùng với năm châu...” chỉ có thể và phải là một Việt Nam của những con người có ý thức tự nó và biết vì nó như thế. Một cánh cửa mở ra con đường đi đến một Việt Nam như thế là đọc sách và sách hay. 

Xin chúc sức khỏe các đại biểu dự hội thảo.

Hà Nội, ngày 29 tháng 2 năm 2008
                                                                                                                                 
Kính thư:
Nguyễn Trung