Tết đọc sách, tại sao không?

Giản Tư Trung
Hiệu trưởng trường Doanh nhân PACE 

Với mong muốn tạo lại một phần quan trọng của đời sống văn hóa xã hội bị đánh mất trong một thời gian khá dài: văn hóa đọc của người Việt, hội những người yêu sách, mà cụ thể là nhóm sáng lập đã cùng nhau vun đắp cho cổng thông tin SachHay.com mà bạn đang ghé thăm.


SachHay.com, một dự án giáo dục của xã hội và vì xã hội, do hơn 50 anh em đồng sự tâm huyết với dân trí và PACE cùng phối hợp sáng lập và triển khai, đang thực hiện một cuộc vận động về một ngày “Tết đọc sách” của người Việt nhằm chấn hưng “văn hóa đọc” của người Việt - một bước khởi đầu nhằm góp phần chấn hưng nền dân trí của nước nhà.

Nhìn quanh ta, rất nhiều quốc gia đã tồn tại một “ngày toàn dân đọc sách” hay có các sự kiện liên quan đến chuyện đọc sách như: Anh, Pháp, Tây Ban Nha, thậm chí, một quốc gia rất gần gũi là Thái Lan cũng có một chương trình quốc gia để mọi người quan tâm đến việc đọc sách. Tổ chức quốc tế mang tên “Hiệp hội đọc sách quốc tế” (IRA) đã ra đời từ hơn nửa thế kỷ trước mà một trong những sứ mạng hàng đầu là cổ vũ thói quen đọc sách suốt đời của tất cả mọi người.


Liên hiệp quốc, mà cụ thể là UNESCO, cũng đã quyết định và kêu gọi về một “ngày sách quốc tế”, ngày 23/04 hàng năm, nhằm cổ vũ cho phong trào đọc sách, thói quen đọc sách trên toàn thế giới. Quyết định và lời lêu gọi này của Liên hiệp quốc đã được rất nhiều quốc gia, vùng và lãnh thổ hưởng ứng nhiệt liệt.

Đọc sách, nói cho cùng bản chất của nó, chính là việc tự học. Chỉ có những quyển sách mới có thể là người thầy, người bạn học với những giá trị vượt không gian và thời gian dành cho mỗi người. Những quyển sách chứa đựng túi khôn của nhân loại, những tri thức nền tảng, những học thuyết lẫy lừng hay đơn giản chỉ là một áng văn hay, một câu chuyện đẹp, một công trình nghiên cứu… tất cả, tất cả đều là những viên gạch xây nên một con người, một gia đình, một doanh nghiệp, và từ những tế bào nhỏ bé nhất này, hình thành nên một xã hội rộng lớn với những giá trị tốt đẹp nhất.

Trong bài nói chuyện ngày 9-12-1961 với các đảng viên hoạt động lâu năm, chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học... không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc đọc sách chính là phương cách cơ bản nhất của việc tự học. Những người thư ký kể lại rằng, mỗi ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc sách nhiều lần, ghi chú, gạch dưới và chuyển sách lại cho các nơi khác để chia sẻ với mọi người.

Cái cách mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc sách xong, rồi chuyển lại hay giới thiệu cho những người cần đọc nó, ít khi giữ lại cho mình, chính là một nét son trong tính cách của Người, một nét son mà những người sáng lập SachHay.com muốn học hỏi.  

Từ ước muốn này, anh em đồng sự đã cùng ngồi lại trù tính cho việc có thể hình thành một một cổng thông tin về sách và đồng thời nghĩ về một ngày Tết đọc sách, một ngày toàn dân đọc sách. Đó là một ngày mà người Việt ta đánh dấu một “kỷ nguyên mới của nền tri thức nước nhà”. Một sự kiện để có thể góp phần chấn hưng dân trí, và nối lại câu chuyện ngày xưa cụ Phan Chu Trinh đã từng mơ: “Khai dân trí, chấn dân khí và hậu dân sinh”.
Đã rất xa thời khắc lịch sử mà cụ Phan mong đợi, đời sống vật chất của người Việt đã cải thiện rất nhiều, nhưng đâu đó, vẫn còn đau đáu một nỗi niềm về dân trí. Dân trí, là câu chuyện về cái ký ức của mỗi người về những cuốn sách thuở ấu thơ, chỉ có vài quyển sách và mọi người đọc ngấu nghiến. Dân trí, là trăn trở khi nhìn những cuốn sách quý của thế giới vẫn chưa tìm được đường vào đến tay người đọc Việt. Dân trí, là sự uổng phí khi chúng ta đã có nhiều sách và nhiều sách hay rồi mà mọi người vẫn còn thờ ơ với nó. Vì nhiều người đã bị mất thói quen đọc sách. Dân trí, là việc định hướng để mọi người đừng đọc sách theo… trào lưu và thời thượng mà hững hờ để những quyển sách hay vẫn nằm im lìm trên giá sách…

Làm sao để có nhiều cách thức giới thiệu sách hay? Câu hỏi tưởng chừng giản đơn, lại trở nên phức tạp hơn bao giờ hết, khi mà hơn 50 nhân sĩ, trí thức và doanh nhân Việt cùng ngồi lại với nhau để tìm lời giải. Lời giải ấy, chính là việc khai lập cổng thông tin SachHay.com, chính là một cuộc vận động rộng lớn, một phong trào dân vận đủ sức mạnh để dấy lên niềm khao khát tri thức, niềm mong mỏi chờ đón những quyển sách quý của người Việt. Đó chỉ có thể là một thời khắc để cả xã hội cùng nghĩ về sách và việc đọc sách.

Trước hết, nên chăng người Việt chúng ta sẽ cùng hưởng ứng nhiệt liệt Ngày sách quốc tế 23/04 (ngày thế giới đọc sách), để hòa vào niềm đam mê đọc sách trên toàn cầu, giống như cái cách mà chúng ta đã từng hưởng ứng ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 (ngày để nói lên quyền của phụ nữ) hay Ngày Quốc tế Lao động 1/5 (ngày để tôn vinh những người lao động)...

Và ngoài việc hưởng ứng Ngày thế giới đọc sách, nếu chúng ta có thêm một ngày đọc sách riêng của người Việt, một cái Tết đọc sách riêng của người Việt, thì điều đó lại càng tuyệt vời.

Chúng ta đã có những ngày Tết về vật chất, những ngày Tết về tinh thần và cả những ngày Tết về tâm linh, sao ta lại không thể có một một ngày Tết cho trí tuệ. Ngày Tết ấy, mọi người sẽ được sống trong bầu không khí ngập tràn của tri thức.

Ngày Tết ấy, Tết đọc sách của người Việt, những người sáng lập cổng thông tin này tin rằng, sẽ không xa!