Lê Nguyên Đại
GĐ Cty Sách Thời Đại
GĐ Cty Sách Thời Đại
Từ ngày xưa, người ta coi chuyện đọc sách là một việc thú vị, đọc sách là cuộc khám phá hào hứng, là niềm say sưa bay bổng của trí tưởng tượng: “Thư trung kim ngọc vô vàn”, “Thư trung hữu nữ nhan như ngọc”.
Và đọc sách đã được coi là một thói quen tao nhã của người dân Việt. Hình ảnh “Bên anh đọc sách bên nàng quay tơ” từng là biểu hiện cho sinh hoạt lý tưởng của một gia đình hạnh phúc.
Nhưng có thể nói ngay rằng tình hình ngày nay khác hẳn rồi: “nàng” không “quay tơ” nữa, ai còn nhớ hình bóng cũ chỉ có thể tìm trong truyện Nhất Linh hay trong thơ Nguyễn Bính mà thôi, còn “anh” bây giờ thấy nhậu nhẹt, la cà ở hàng quán thì nhiều, chứ những khi ở nhà ngồi đọc sách chắc là ít lắm!
Theo thống kê thì sách xuất bản đạt 4 cuốn/đầu người mỗi năm, nhưng trong đó sách công cụ: giáo khoa, tham khảo (bài giải) cho học sinh, giáo trình cho sinh viên, tài liệu chính trị cho cán bộ, đã chiếm phân nửa rồi cho nên sách văn chương học thuật, bồi dưỡng kiến thức, tu rèn nhân cách… đâu còn bao nhiêu! Lại như trường hợp làm sách của công ty chúng tôi làm chẳng hạn, tuy không nhiều, không dám nói là hay, nhưng tự nghĩ cũng là thứ đọc không nở bề ngang cũng nở bề dọc, vậy mà trong đất nước hơn tám chục triệu dân, có cuốn in 1.000 bản bán mãi 5 năm chưa hết!
Tình hình đó thật khó thể nào lạc quan cho được! Thành ra có lẽ ở đây tôi chỉ xin phép được đóng khung phần ý kiến của mình vào việc bám sát thực trạng để thử tìm hiểu sơ lược nguyên do gì đã hạn chế sức hấp dẫn của sách đối với công chúng như vậy?
Tôi cho rằng có thể “thủ phạm” đã đến từ ba phía.
Thứ nhất, đời sống vật chất cao, phương tiện giải trí nhiều, cung ứng sẵn sàng hăm bốn trên hăm bốn, cho mọi đối tượng nam phụ lão ấu: phim ảnh, vũ trường, truyền hình, du lịch… Và đặc biệt dễ nhận ra nhất là sự bùng nổ của hàng quán. So sánh đâu xa, có một thời – thời chúng tôi còn đi học, ngoài các quán bán những ly “xây chừng” ở đầu hẻm mà khách ngồi mươi lăm phút rồi đi, cả Sài Gòn có chừng 5 quán dành cho dân “sành điệu” cà phê, là những nơi người ta có thể uống ly cà phê filtre và tiêu xài rất hào phóng thời gian của mình với những bình nước trà không hạn chế. Bước sang thập niên 1970, các quán cà phê có cây dừa, bụi tre, mới thi nhau mọc lên. Nhưng quán nhậu vẫn ít thấy, trừ các hàng ăn, khách ăn xong bữa thì về. Có thể nói không có thời nào, và chắc cũng không có xứ nào, quán nhậu nhiều như ở ta hiện nay. Ở đó người ta chịu tốn tiền để tha hồ phung phí thời gian, và trí lực chắc cũng tiêu hao dần không ít. Còn gì đâu để dành cho sách vở!
Nhưng cách giải thích nặng tính xã hội như trên – nhiều phương tiện giải trí giành mất khách hàng của sách, vẫn là nguyên nhân dễ phát hiện, và dễ được nhiều người đồng tình – chưa phải đã hoàn toàn xác đáng. Tại sao Tây ba-lô, dân của những nước phát triển, giàu có, văn minh hơn mình lại đọc sách nhiều như thế? Họ đọc văn chương, triết học, chứ không phải chỉ là đọc sách hướng dẫn du lịch đâu!
Tôi tin rằng tác nhân chính nằm ở hướng tìm kiếm thứ hai này: Chính nền giáo dục ngày nay mới là đối tượng phải chịu trách nhiệm chủ yếu trong việc làm suy giảm truyền thống ham đọc, hiếu học của người dân Việt.
Lấy một thí dụ: môn văn học trong nhà trường, tất nhiên không phải là môn duy nhất có trách nhiệm dạy cho học sinh thói quen đọc sách, nhưng rõ ràng đó là môn học có nhiều cơ hội nhất trong việc tạo ra những thói quen tốt cho việc đọc. Thế nhưng mãi cho tới khi các em tốt nghiệp đại học ta đã không tạo được cho học sinh thói quen đọc hết một cuốn sách. Đơn giản là vì đã có người đọc sẵn cho các em rồi. Và đã phát hiện sẵn giùm cho các em những điều người ta muốn các em tìm thấy trong sách rồi! Lâu ngày thành quen, các em cũng chẳng cần phải đọc làm gì nữa!
Cũng vậy, về rèn luyện kỹ năng, ít bao giờ có những buổi dành cho học sinh tự thuyết trình, tự đúc kết các kiến thức. Ở bậc phổ thông thì thầy cô sợ cháy giáo án, ở đại học có khi tệ hơn vì một trong những nguyên nhân là vẫn còn nhiều giảng viên không hơn được sinh viên một cái đầu, cho nên để các em đọc nhiều biết đâu… lại sinh ra lôi thôi!
Đã thế, chương trình đại học lại thiếu những môn rất là cần thiết, dạy về kỹ năng học, kỹ năng tư duy, và nhất là kỹ năng đọc.
Không có thói quen và không có kỹ năng thì chuyện đọc sách lại càng khó lắm. Tôi đã khuyên nhiều người bước đầu hãy xem truyện kiếm hiệp Kim Dung, nhờ sự hấp dẫn của nó mà tạo dần được thói quen đọc, dễ “nhiếp tâm” trong khi đọc, chứ không thì sẽ gặp ngay cái cảnh “vượn trèo ngựa chạy”, để rồi đọc đến cuối trang lại phải đọc trở lại từ trên đầu trang. Chưa nói chi đến chuyện đọc thế nào cho hiệu quả, mà lại còn tiết kiệm được thời gian nữa. Tắt một điều, việc đọc khó hơn việc ngồi… giết thì giờ ngoài hàng quán rất nhiều.
Nhưng nói gì thì nói, còn một yếu tố thứ ba rất quan trọng ai cũng đều nhận thấy: sách không hay, không có giá trị, thì đương nhiên sẽ ít người đọc. Nếu trên thị trường xuất hiện cả… “phong trào” làm ra sách không hay, sách kém chất lượng, thì hậu quả đương nhiên là sẽ dẫn đến cả “phong trào” quay lưng với sách mà thôi! Và đó đang là một thực trạng đáng cho ta suy nghĩ.
Trái với trước kia, sách in ra ít, nhưng mọi người coi đây là một công việc “cao cấp”, có đầu tư đúng mức về trí tuệ, tác giả và nhà xuất bản đều có một trình độ đáng tin cậy. Người tiêu dùng nếu không thích một đề tài hoặc một tác giả nào thì không mua, nhưng đã bằng lòng mua thì khỏi sợ lầm. Còn bây giờ phải thừa nhận là sách rất phong phú, nhưng hình như ai cũng viết sách được, đồ giả ngày càng nhiều, người ta sao chép của nhau, ăn cắp đề tài, ý tưởng của nhau, ăn cắp bản quyền dễ dàng như trở bàn tay, chẳng hạn lấy sách dịch đã in ở một thời kỳ nào đó, sửa chữa chút đỉnh (có thể cho sai bớt đi!) rồi ký một tên tác giả mới (độc quyền)! Trong khi đó người biên tập một cuốn sách dịch lại chỉ được yêu cầu làm sao cho “tròn vành rõ chữ” câu văn tiếng Việt, mà không có trách nhiệm đối chiếu với bản gốc!
Nếu bên cạnh những cuốn sách tốt, đạt chuẩn, người đọc mua lầm một đôi lần những cuốn sách mà “ai cũng viết được” đó rồi, thì… thôi. Làm sao còn mê đọc sách! Tất nhiên họ phải để thời gian mà sử dụng vào những việc bổ ích hay thú vị khác.
Như vậy việc hiện nay người ta không mê đọc sách còn là vì không có nhiều sách đáng để… mê, và điều đó giải thích vì sao vẫn còn có một số cuốn sách bán được vài ba chục ngàn bản. Đó cũng chính là điều cho phép ta tin rằng một khi có biện pháp đúng thì cũng có khả năng phục hồi được truyền thống ham đọc, hiếu học của người dân Việt.
Thực trạng là như thế, đều có gốc rễ sâu xa từ trong xã hội, trong giáo dục, và cả trong bản thân ngành xuất bản sách, cho nên không phải một sớm một chiều mà có ngay được cách giải quyết đồng bộ, và… sự chuyển động thần kỳ. Tuy nhiên, định hướng cho giải pháp cũng không phải là điều gì quá khó khăn mới tìm ra được: Để tiến tới một xã hội đọc sách thì phải tập cho công chúng thói quen đọc sách, và phải tạo điều kiện tốt nhất để thói quen này được duy trì dài lâu.
Như đã giới hạn trong phần đặt vấn đề, tôi không dám lạm bàn về biện pháp, nhưng cũng xin phép nêu lên mấy suy nghĩ lan man, gọi là gợi ý cũng được. Chẳng hạn:
- Để tạo phong trào, trước khi nhân ra cho nhiều đối tượng, ta hãy tổ chức rộng rãi trong sinh viên các trường toàn quốc hay từng khu vực, cuộc thi thuyết trình về một cuốn sách hay tự chọn, với những giải thưởng xứng đáng, đủ chi phí cho cả một bậc học. Tại sao người ta vẫn tổ chức được bao nhiêu cuộc thi hoa hậu, thi tiếng hát truyền hình, kể cả thi nữ sinh thanh lịch?
- Hệ thống thư viện các cấp, các ngành cần được quan tâm nhiều hơn nữa, để có thể đưa tới công chúng các loại sách phong phú, đa dạng và có giá trị hơn. Phải cố gắng khắc phục tình trạng thư viện trường đại học thì chỉ trang bị tài liệu chuyên ngành, thậm chí không vượt tầm những giáo trình, còn thư viện địa phương thì chỉ lèo tèo dăm ba đầu sách chính trị và vài tờ báo cũ!
- Những câu lạc bộ đọc sách trong quần chúng nên được vận động thành lập, theo lứa tuổi hoặc theo nhóm ngành nghề, để họ giúp nhau cùng đọc sách. Tôi thấy người ta chơi chim, chơi cá được cũng vui lắm. Có cách gì giúp cho họ cảm thấy đọc sách, hay thậm chí mua được cuốn sách ưng ý cũng là cái thú thanh cao?
- Tôi để ý nhiều người, ngay cả những người làm ăn bằng nghề sách mà trong căn nhà mới xây không thấy cái tủ sách, chứng tỏ nó không thể hiện được “đẳng cấp” của người thành đạt bằng cái tủ rượu… Làm sao “hiến kế“ cho các cửa hàng trang trí nội thất bán ra nhiều kiểu tủ sách sang trọng, khiến người ta mua về chưng sách cũng được. Tôi nhớ hồi trước bọn học trò cuối trung học đã có ý tưởng lập “tủ sách gia đình” với bắt đầu là vài ba cuốn mua được từ số tiền thù lao dạy kèm ít ỏi. Và cũng có anh luôn ôm kè kè cuốn sách để làm dáng. Dẫu sao, làm dáng bằng cách chưng sách, hay ôm sách cũng đều… tích cực, vì nó đều khẳng định giá trị của sách và của việc đọc sách!
Và để kết thúc câu chuyện cho bớt màu sắc bi quan, thay cho giải pháp đề nghị, tôi xin bày tỏ một niềm mơ ước… Giá như rồi đây:
Mỗi nhà có một Tủ sách gia đình;
Mỗi lớp học có một Tủ sách trao đổi;
Mỗi đơn vị, công ty có một Tủ sách dùng chung.
Và… một ngày kia, mỗi người Việt sẽ là một người mê đọc sách!
Nếu mơ ước đó mà được sự đồng cảm của các lực lượng xã hội, gia đình, học đường, những người tâm huyết, và nhất là các cơ quan truyền thông đại chúng, để có thể biến thành một cuộc vận động rộng lớn cho nền văn hóa đọc nước nhà, thì ở một góc độ, có khi cũng là cuộc Duy tân của đầu thế kỷ 21 đấy! Nói như thế không có gì là quá đáng, vì bao giờ việc đọc sách cũng là đòn bẩy của dân trí, là phẩm hạnh của dân tộc!
3/2008