Mong ước về một cộng đồng đọc sách

Thảo Ngọc 
Biên tập viên NXB Trẻ

I.
Tôi cũng đã tự hỏi: thật ra tôi có mê đọc sách?


Thú thật, tôi không có được sự mê đắm đọc như một tín đồ của sách, không có sự cần mẫn đọc được ví như mọt sách. Tôi đọc sách chỉ khi có nhu cầu trước mắt, chỉ khi rỗi rảnh, đọc như một phương tiện để học, để giải trí, để giải tỏa,…Nghĩa là khi cần hiểu biết điều gì đó, thì tìm sách đó để đọc. Đó là những sách tôi bắt buộc mình đọc. Còn thường tôi thả mình, đọc khi muốn đọc và đọc cái gì mình thích. Mà nói cái cần hay cái thích của việc đọc sách cũng rất giới hạn, và cũng rất vô hạn với mỗi người, và trong mỗi người ở từng lúc khác nhau. Cũng có nghĩa là sự bắt buộc phải đọc hay sự yêu thích muốn đọc đều là nhu cầu tự thân, nhưng tùy thuộc rất nhiều các yếu tố,các điều kiện khác nữa.

Tôi không thể có một kết luận chung cho mình, rằng tôi mê hay không mê đọc sách. Nhưng phải nói rằng, có những cuốn sách ở lâu trong ký ức tuổi thơ tôi (như Bảnh và Thuận, Cái lều của bác Tom), có cuốn sách cuốn hút tôi đọc mê mải (như cuốn Suối nguồn), có cuốn sách tôi đọc một cách tỉnh thức (như cuốn Toàn cầu hóa và những mặt trái),…Nhưng có nhiều cuốn tôi lười đọc (như Harry Potter !), và có những cuốn tôi bắt mình đọc và đọc một cách khó khăn (như sách Triết học).

Tôi cũng chưa thể nói Người Việt mê đọc sách, dù rằng tôi biết có những người Việt mê đọc sách, dù rằng có những tín hiệu cho thấy không chỉ giới trí thức mới đọc sách, tầng lớp doanh nhân ngày nay học và đọc nhiều hơn, giới trẻ muốn tìm được việc làm tốt cũng phải giàu khả năng học,đọc,… Sự vận hành của nền kinh tế tri thức có thể mở ra tương lai của văn hóa đọc, bên cạnh những nguy cơ tha hóa, thực dụng của một xã hội hưởng thụ khi phát triển.

Để trả lời dân mình có thói quen đọc sách hay không, rồi mới nói tới mê đọc hay không, mê đọc cái gì và vì cái gì, có lẽ phải suy xét ở nhiều khía cạnh.

Trong lần đi hội sách ở Đức về, tôi nhìn thấy người cơ trưởng của chính chuyến bay chở chúng tôi ngồi trầm tĩnh đọc sách trong phòng chờ ở sân bay Frankfurt trước giờ lái máy bay. Không chỉ có ông thuộc dân “trình độ” mới như thế. Nhiều người trẻ, kể cả con nít,  thoải mái cầm sách đọc trong khi chờ lên máy bay. Tôi không thấy người NON-EU nào (có khá nhiều trong chuyến bay này) tranh thủ đọc sách. Tôi cũng đã tự hỏi mình có muốn đọc sách vào những lúc này không, loại trừ lý do tôi còn phải ngắm nghía mọi thứ cảnh lạ xứ người, tôi hiểu rằng ngay cả khi ngồi chờ ở sân bay VN, tôi cũng muốn để cái đầu mình trống). Và nhiều những dẫn chứng nữa cho thấy dân EU họ đọc sách tự nhiên, không phải tranh thủ, không phải cố gắng, không cần để ý chung quanh,… Rõ ràng họ có một thói quen đọc, một não trạng đọc, một nền tảng văn hóa đọc đã thấm sâu thành nếp. Dân họ đọc sách nhiều và các nhà xuất bản của họ nhờ vậy đã bán được rất nhiều sách, tự tin và có đủ những điều kiện làm ra nhiều sách hay sách đẹp.Xã hội họ là cộng đồng đọc sách. Ở Việt Nam, đây là mơ ước của những người làm sách.

Như vậy, để có những cá nhân mê đọc sách và một cộng đồng đọc sách còn là vấn đề môi trường văn hóa, điều kiện kinh tế xã hội. Nếu người Việt Nam mình được đặt trong một môi trường văn hóa, kinh tế xã hội như dân các nước tiên tiến về văn hóa đọc, chắc cũng sẽ có câu trả lời khẳng địnhNgười Việt có mê đọc sách.

II.
Tôi, chắc như nhiều người Việt bình thường khác, tư duy thực tiễn hơn là tư duy luận lý, điều này hẳn có gốc rễ từ khiếm khuyết cái nền đọc.

Tôi tham gia công việc làm sách như là một cách tu bổ cho cái nền khiếm khuyết đó của mình, và sâu xa hơn là gửi một kỳ vọng vào sự phát triển của văn hóa đọc Việt Nam.

Sách có thể đem lại điều gì cho mỗi chúng ta? Sức mạnh tinh thần, sức mạnh tri thức, sức mạnh sáng tạo, những trải nghiệm, những chuyển hóa diệu kỳ làm nên những thay đổi cuộc sống cá nhân, đời sống xã hội.

Không kể những người chăm bẵm đọc sách, nhét đầy đầu kinh điển, sính làm dáng chữ nghĩa, nhưng cuộc đời thực đôi khi rỗng tuếch, tăm tối, hoang mang. Tôi nghĩ họ bị lậm, bị lệch một cái gì đó, không hại ai nhưng cũng không làm được gì tốt cho ai.

Còn thì ai đến với sách cũng thấy mình sáng ra.

Người Việt “có mê đọc sách” không?  Để trả lời câu hỏi này, tôi thấy có vấn đề cốt lõi hơn: Làm sao có nhiều sách hay, có nhiều cơ hội để người dân mình đọc sách, có được cộng đồng đọc sách?

Sách hay, như cái đẹp, tự nó có sức thu hút, hấp dẫn, có cả sức lan tỏa, và lay chuyển.

Không nhất thiết ai cũng ham đọc sách, lúc nào cũng ham đọc sách. Chỉ cần mỗi người có được cuốn sách hay cần cho mình trong từng khoảng đường đời, đôi khi đã đủ sức làm nên điều gì đó, có khi chỉ là sự bình tâm cần thiết, nhưng có khi là một bước nhảy thông minh cho chính cuộc đời, sự nghiệp của mình. Khó có sách hay cho chung mọi người,  nhưng với riêng từng người, cần thiết là có.

Tôi đã từng nghĩ như thế. Nhưng thực tế cho thấy, không phải ai cũng muốn tìm sách hay, sách cần cho mình để đọc. Làm sao để mọi người thấy sách cần thiết và hữu dụng cho cuộc sống của chính mình? Đó còn là sự vận động của xã hội, sự vận động không phải chỉ kêu gọi , mà là tạo ra những điều kiện, những nhu cầu khiến người ta phải đọc và muốn đọc, cũng như dễ dàng được đọc.

III.
Xin nói về việc làm sách.

Đọc những câu chuyện xưa, thấy ông cha mình từ thuở nông nghiệp lạc hậu thực dân phong kiến, thông minh sáng dạ ứng biến hay không thua kém bất cứ công dân toàn cầu nào, nhưng chỉ dừng lại là những tích lũy bộc phát cá nhân, không có những nghiên cứu và điều kiện phát triển nâng tầm phổ quát trong xã hội. Khiếm khuyết tư duy nghiên cứu lý luận, nghiên cứu khoa học, thiếu giao lưu với thế giới bên ngoài,… khiến mọi nỗ lực cá nhân cũng như người chạy dậm chân tại chỗ, trong khi thế giới đã tiến xa. Thật ra là rất không công bằng cho dân mình. Nhưng cũng có phần do thực tế xã hội mình.

Bây giờ chúng ta đang ở trong những điều kiện, những yêu cầu xã hội khác hơn.

Trong hướng làm sách, tôi có một suy nghĩ, chúng ta vừa đắp nền, vừa cơi mái, giúp người đọc chắt lọc củng cố  kiến thức cơ bản cần có, đồng thời nhanh chóng cập nhật cái mới theo kịp tầm tri thức đương đại.

Qua từng giai đoạn làm sách, chúng tôi có những bài học: lúc đầu tư duy bao cấp nên làm những cuốn sách mình muốn làm, sau qui luật thị trường mới vỡ lẽ ra phải làm những cuốn sách người ta thấy cần.

Và chúng tôi nghiệm ra: như mọi sản phẩm hàng hóa khác, nhưng khác biệt hơn những sản phẩm hàng hóa khác, sách không chỉ có tính thực dụng.

Tôi rất tâm đắc tư tưởng của ông Honda: mạnh dạn mà làm, làm ra cái mà hiện tại nhiều người chưa hình dung, nhưng sẽ là cái mà họ cần trong tương lai.

Chức năng của sách, sức hấp dẫn của sách, phải chăng là những điều hé mở cho cái mới ẩn chứa trong nó, là khả năng dẫn đường của nó, giúp người đọc bước qua những giới hạn hiện có?

Chúng tôi càng thấy rõ hơn điều cần làm: làm những sách chúng tôi thấy cần và người đọc sẽ cần. Đó là làm sách vì nhu cầu thực tiễn của người đọc, và vì mục tiêu phát triển của xã hội.

Trong thực tế làm sách, thị trường là những ẩn số không dễ tìm. Chúng tôi đã đặt mình trong thử thách này, có khi thành công, có khi thất bại, nhưng luôn muốn đi tìm để những cuốn sách NXB Trẻ làm ra có được giá trị thực tế, cũng như những giá trị vô hình mà sách có thể mang đến cho xã hội, và cho bất kỳ ai.

Người ta sẽ muốn đọc sách nhiều hơn, khi sách trở nên cần với họ.

IV.
Mong ước của chúng tôi, là có được nền tảng : cộng đồng đọc sách.

Đọc sách thật ra là một niềm vui, ngay cả khi ta phải đau đầu, phải trằn trọc không ngủ vì những gì không thể chỉ ngưng đọng khi khép cuốn sách lại.

Làm sách cũng là một niềm vui, nhưng hơn thế, là sứ mệnh...

Đang và ngày càng có nhiều người, nhiều nhà ra sức làm sách và làm sách hay, nhưng giá trị và sức mạnh của sách chỉ thật sự có khi chúng được phát triển trên mảnh đất văn hóa đọc. Thật khó là tạo được thói quen đọc sách, cộng đồng đọc sách. Cái khó này cần sự hợp lực của cả xã hội, cần một quá trình  nuôi dưỡng và tác động tích cực...

Trong những giải pháp có thể làm cho nhiều người đọc sách hơn, tôi nghĩ rằng SachHay.com  sẽ là một đóng góp thiết thực, là kênh thông tin quảng bá tin cậy về sách hay, sách cần đọc, có khả năng vận động và phát triển cộng đồng đọc sách bằng những thư viện mở và free… Đối với các NXB, đây cũng là kênh thẩm định khách quan. Một sự tương tác rất cần để chúng ta có một xã hội quan tâmSÁCH và ĐỌC SÁCH./.