Lời mở đầu của Ban tổ chức Hội thảo


(Do Nhà văn Nguyên Ngọc trình bày tại hội thảo)


Kính thưa Quý vị,

Có lẽ có thể nói mà không sợ quá đáng: sách và hành vi đọc là một trong những khám phá đẹp đẽ nhất và quan trọng nhất trong suốt hành trình lịch sử lâu dài của con người. Làm sao có thể hình dung lịch sử loài người, lịch sử văn minh của con người mà không có sách, không có hành vi tuyệt diệu đọc sách của con người. Xưa nay bao nhiêu danh nhân đã nói về ý nghĩa của sách và của việc đọc sách. Trong thư mời gửi đến các bạn tham dự hội thảo này, chị Quách Thu Nguyệt, thay mặt nhóm sáng lập Sachhay.com đã nhắc lại một số lời tiểu biểu đó. Dẫu thời gian hạn chế, tôi cũng không thể không xin phép được nhắc thêm đôi lời của một vài người khác nữa. Đây là lời của Linda Lê, một nhà văn gốc Việt hiện đang sống ở Pháp. Linda Lê viết: “Chalamov nói: Sách là sự bất tử của chúng ta. Chúng rì rào những bao nhiêu điềm báo đến mức cuối cùng chúng ta quyết định phải lắng nghe, chúng thổi ngọn gió tranh biện và làm xáo động niềm yên tĩnh của chúng ta. Kẻ nào chiếm lĩnh được một cơn lốc những từ mang đầy những câu hỏi sẽ được lôi kéo vào một vận động ở đó sự tự tháo lui lại đưa đến một cuộc tái chiếm; anh ta tự rứt ra khỏi chính mình để có thể học được cách tái tạo lại mình tốt hơn, bởi món chiến lợi phẩm có được bằng cách này chỉ có thể là một tài sản nếu nó được dùng để trả giá trong các cuộc du hành vào bên trong những điều kỳ lạ, ở đấy ta đem những niềm tin chắc của mình đổi lấy những chóng mặt và phân vân”. Linda Lê muốn nói rằng sách giúp chúng ta thoát khỏi những chân lý tưởng đã đinh ninh, để ước ao đi tìm những sự thật mới. Sách có thể làm thay đổi suy nghĩ của con người, và từ đó làm thay đổi thế giới. Và đây là mấy câu thơ của một tác giả nữ khác, Marie Darrieussecq:


Đọc là biến đi khỏi thế giới
đọc là tìm lại được thế giới
đọc là còn lại một mình với cả thế giới trong lòng bàn tay…

Quả đúng vậy, khi đọc con người dường như thoát ra khỏi thế giới này, song cũng chính nhờ đó mà lại tìm lại được cả thế giới, khi đọc say mê dường như ta chỉ còn lại một mình, hết sức cô đơn nhưng cùng lúc lại có cả thế giới trong lòng bàn tay mình. Mỗi con người chỉ có thể có một cuộc đời, sách và hành vi đọc cho phép con người có thể có thêm trăm nghìn cuộc đời khác, ảo mà còn thật hơn cả thật, làm giàu vô tận cuộc sống của chúng ta… tất nhiên là với điều kiện chúng ta say mê đọc và biết cách đọc.

Chúng ta đã có, đang có được niềm hạnh phúc không quá khó khăn mà lại rất cao cả đó không? “Người Việt có mê đọc sách” là chủ đề cuộc trao đổi của chúng ta hôm nay. Chúng ta sẽ cùng nhau nghĩ và bàn xem trong thế giới ngày nay, khi các phương tiện truyền thông hiện đại phát triển như chưa từng có, có quả thật sách vẫn còn vai trò không thể thay thế của nó như nó đã từng có từ ngàn xưa hay không? Tình hình đọc của chúng ta hiện đang như thế nào? Có phải người Việt đã từng có truyền thống trọng sách, mê sách? Và trong những điều kiện nào đó đã đánh mất truyền thống ấy đi? Vì sao? Hiện nay những đối tượng nào trong xã hội đang đọc nhiều, những ai đang đọc ít, rất ít, những ai không còn đọc, không hề đọc? Có cần và có thể khôi phục lại niềm say mê đọc không? Và điều quan trọng hơn cả, nếu cần thì làm thế nào để khôi phục được thói quen văn hóa thú vị và cao quý đó? Làm thế nào để gây men và kích thích trở lại tình yêu sách, niềm mê sách? Làm thế nào chúng ta có được một xã hội đọc như xã hội Nhật, nơi một cuốn sách khó như cuốn Bàn về tự do của John Stuart Mill cách đây gần ba thế kỷ đã được dịch và in đến 2 triệu bản khi dân số Nhật chỉ có 36 triệu người, như xã hội hội Pháp, nơi riêng trong năm 2006 người ta đã mua đến 494 triệu cuốn sách, trung bình mỗi người dân đã mua 8 cuốn sách…? Làm thế nào đến một lúc nào đó ra đường ta có thể thấy nhiều người trên các phương tiện giao thông công cộng, ở các điểm chờ, trên các ghế công viên, trong quán cà phê… cầm một cuốn sách trong tay và say sưa đọc?… Chắc hẳn còn nhiều vấn đề và nhiều câu hỏi có thể còn quan trọng và thiết thực hơn nữa sẽ được các bạn nêu ra trong khi trao đổi.

Chúng tôi có đề nghị một số vị viết và trình bày tham luận, để tạo nên một cái sườn đầu tiên và những gợi ý cho cuộc thảo luận của chúng ta. Nhưng chắc chắn cuộc thảo luận sẽ không nhất thiết đóng khung trong những vấn đề được nêu ra đó. Sẽ là một cuộc thảo luận mở, nhiều chiều, nhiều hướng, rất mong có thể có cả những bất ngờ thú vị.

Một trong những ý tưởng cơ bản của trang web SachHay.com là ở chỗ nó là công trình chung của mọi người, vì mọi người. Một số người đầu tiên đã cố gắng khởi xướng, một số người đầu tiên đã xuất hiện trên các chương mục của WEB như một khởi động, nhưng rồi mọi người sẽ là chủ nhân của công trình của chính mình, vì chính mình và vì mọi người. Nhiệt tâm và trí tuệ của mọi người sẽ làm cho trang WEB ngày càng phong phú, sống động, thiết thực và thật sự bổ ích. Cuộc hội thảo này cũng được quan niệm và tổ chức theo một ý tưởng như vậy. Chúng tôi chỉ là người nói đôi lời mở đầu cần thiết. Và bây giờ làm chủ diễn đàn này sẽ là tất cả các bạn./.