Cảm nhận về văn hóa đọc

TS. Nguyễn Quang A

Để trả lời câu hỏi “Người Việt có mê đọc sách?”, câu hỏi được mổ xẻ ở hội thảo này tại Hội sách Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ V, chắc cần có những nghiên cứu bài bản, kỹ lưỡng mới có thể có câu trả lời xác đáng. Do chưa biết những nghiên cứu như vậy, tôi chỉ nêu những nhận xét chủ quan, mang tính cá nhân của mình.


Con người có thể tiếp nhận thông tin qua các giác quan của mình: mắt, tai, mũi, da. Đọc (sách, báo, các tài liệu trên mạng…) là cách thu nhận thông tin quan trọng (nếu không nói là quan trọng nhất) của con người. Sách, báo và các tài liệu để đọc khác là nguồn thông tin (hay chính là kênh thông tin) quan trọng nhất. Người ta nói nhiều về nền kinh tế thông tin, về xã hội thông tin, về thông tin, tri thức trở thành nguồn lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế, phát triển xã hội. Một dân tộc không mê đọc sẽ không thể phát triển được, sẽ phải sống trong nghèo khổ và ngu dốt. Thế mới thấy việc đọc quan trọng đến thế nào và việc tạo dựng văn hóa đọc, niềm đam mê đọc là việc trọng đại. Tập quán, thói quen về đọc, cách đọc, cách ứng xử với  sách, báo v.v. tạo thành văn hóa đọc.

Có người cho rằng hiện nay văn hóa đọc ở Việt Nam xuống cấp. Người dân không còn “mê đọc sách nữa”. Cứ như một thời chúng ta đã có văn hóa đọc ở mức cao, cứ như người dân chúng ta đã rất mê đọc sách, đã có sách để đọc hay đã có sách “đáng để đọc”,  và ngày nay có sự xuống cấp nghiêm trọng. Vấn đề không đơn giản vậy. Tôi thì nghĩ ngược lại. Người dân Việt Nam càng ngày càng có cơ hội đọc khá hơn, ngày càng đọc nhiều hơn, mê đọc hơn, kể cả đọc sách. Nói như vậy không có nghĩa rằng chúng ta đã có một văn hóa đọc cao. So với các nước tiên tiến văn hóa đọc của chúng ta còn thấp.

Thử nhìn lại lịch sử. Muốn đọc được, người ta phải học, chí ít để “biết đọc, biết viết”. Mới chỉ hơn 60 năm trước gần như toàn bộ dân Việt Nam “mù chữ”. Mà như thế thì lấy đâu ra văn hóa đọc, trừ một số rất ít trí thức-quan lại. Giả như có “biết đọc-biết viết” thì cũng lấy đâu ra sách báo mà đọc? Các nhà cầm quyền thi hành chính sách “ngu dân”, “kiểm duyệt”, “đốt sách” để dễ bề cai trị thì làm sao có văn hóa đọc? Kinh tế kém phát triển, người dân nghèo không có tiền mua sách, mua báo thì lấy đâu ra văn hóa đọc? Tôi là con nhà nông, lúc nhỏ sống không xa Hà Nội mấy (45 km, cách thị xã Bắc Ninh 13 km), học cấp 3 tại trường Hàn Thuyên, một trong những trường “có tiếng” ở miền Bắc vào đầu các năm 1960. Thế mà tôi đã chẳng có cuốn sách riêng nào để đọc, sách giáo khoa cũng chẳng đủ. Sách đã hiếm, mà giả như có sách cũng chẳng có tiền để mua. Mê đọc mà không có điều kiện đọc thì cũng bằng không. Hiện nay ở nước ta còn bao nhiêu trẻ em, thanh niên, người lớn ở nông thôn, vùng sâu vùng xa vẫn không thể tiếp cận đến sách, báo và Internet? Hệ thống cơ sở hạ tầng (thư viện, nhà sách, quầy bán báo, trẻ bán báo rong [chắc sẽ bị cấm?], các cơ sở cung cấp dịch vụ Internet, v.v.) hỗ trợ cho sự “đọc” phát triển thế nào?

Đọc gì là điều quan trọng không kém. Thời xưa, các nhà cầm quyền dùng “sự đọc” để duy trì quyền lực. Số ít những người có thể đọc cũng chỉ có thể đọc được những sách được “phê duyệt”. Không có tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do báo chí thì người dân dẫu có thể đọc cũng chỉ đọc được những thứ mà những người cầm quyền muốn họ đọc, hầu như không có sự lựa chọn. Đôi khi học sinh, sinh viên buộc phải đọc những thứ vô bổ, không có ích gì cho người đọc, không giúp họ trong cuộc sống hàng ngày, không đáp ứng được kỳ vọng tương lai của họ thì cũng chẳng thể tạo ra văn hóa đọc lành mạnh.

May thay tình hình ngày nay đã có nhiều thay đổi. Dân ta đỡ nghèo hơn, sách báo nhiều hơn, đa dạng hơn, số người có thể tiếp cận đến sách báo nhiều hơn, và chắc chắn văn hóa đọc cao hơn. Về số lượng, số đầu sách, số lượng sách (đừng tin vào số lượng bản in ghi ở cuối mỗi cuốn sách!), số báo phát hành trong thời gian qua có sự phát triển vượt bậc. Giá báo, sách (nếu mua ở vỉa hè hay các nơi như Đinh Lễ Hà Nội) cũng không quá cao. Mật độ các quán Internet ở Việt Nam vào loại khá cao so với thế giới và khu vực. Nói cách khác người dân dễ tiếp cận hơn đến sách, báo hay cái để đọc hơn. Đó là một dấu hiệu đáng mừng.

Nhưng những tàn dư của quá khứ đâu dễ xóa bỏ. Những người nhân danh tự do, nhân danh đấu tranh chống “ngu dân”, khi trở thành những người cai trị cũng rất có thể phạm phải những lỗi lầm (hay chủ ý) của bất cứ nhà cầm quyền nào? Báo chí được quản lý chặt chẽ, việc xuất bản cũng vậy. Tư duy lỗi thời muốn “nhào nặn” con người vẫn còn dấu ấn nặng nề trong lĩnh vực này. Vẫn nghe về “tường lửa”, về các cuốn sách bị “cấm”, về các báo bị “cạo”, các bản dịch bị cắt, thậm chí đến các tác giả cũng phải tự kiểm duyệt nếu muốn bài báo của mình, sách của mình có thể in được. May mà có blog, có Internet.

Về nội dung, người dân có thể tìm thấy sách báo thực sự có ích cho mình không? Hay là sách báo phân phối theo kiểu một thời, chắc không phải vậy, nhưng vẫn còn những dấu ấn như thế.

Xây dựng văn hóa đọc, khuấy động, kích thích sự ham mê đọc là việc hệ trọng trong sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước. Nó không chỉ phụ thuộc vào người đọc, nó còn phụ thuộc vào cách ứng xử của các nhà chức trách, vào những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và khoa học, vào các doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực này. Tất cả họ đều phải vào cuộc. Quyền đọc là một quyền cơ bản của người dân, họ phải giành lấy quyền đó để học, để đọc nhằm phát triển bản thân mình, làm giàu cho chính mình, cho gia đình mình tức là cho đất nước và để buộc các nhà chức trách xóa bỏ những rào cản cho việc hình thành văn hóa đọc lành mạnh./.