Vài giải pháp nhằm nâng cao văn hóa đọc


Lời đầu tiên, xin cảm ơn Ban tổ chức đã cho phép tôi trình bày 1 số ý kiến chủ quan của mình về vấn đề tôi hết sức quan tâm vì sự quan trọng của nó đối với sự trưởng thành, hoàn thiện năng lực, nhân cách cho mỗi cá nhân và phát triển vững bền văn hóa dân tộc. Không làm mất thời gian quý báu của các bạn, tôi xin đi thẳng vào vấn đề này trên 1 số góc nhìn về văn hóa đọc, thực trạng, nhu cầu phát triển và giải pháp đề xuất cụ thể như sau:


Thực trạng của văn hóa đọc hiện nay

Để có câu trả lời cho vấn đề này trước tiên ta cần xem có bao nhiêu kênh thông tin, bao nhiêu cách tiếp nhận thông tin, các loại thông tin đã và đang được thể hiện. Trên thế giới từ khi người Sumerian khắc chữ lên đất sét cho đến nay, con người đã cho ra đời ít nhất 32 triệu quyển sách, 750 triệu bài báo, 25 triệu bản nhạc, 500 triệu bức ảnh, 500.000 bộ phim, 3 triệu cuốn băng, hàng tỷ trang web, vô số chương trình tivi, đoạn phim ngắn,... Còn Việt Nam ta hiện đang có các kênh thông tin sau:


- 713 đầu báo và tạp chí từ trung ương đến địa phương, từ ban ngành đến, hội đoàn và các tổ chức xã hội. Việt Nam ta với số dân hơn 85 triệu, trong đó 57% dưới 25 tuổi. So với các nước công nghiệp và phát triển thì số lượng báo chí này còn rất ít.

- Internet có thể truy cập nhanh với băng thông rộng.

- Truyền hình free to air, cable, VCD, DVD mọi lúc mọi nơi từ nhà riêng cho đến phòng chờ nơi công cộng.

Bên cạnh các yếu tố tích cực, nhìn vào các vấn đề và thách thức để xác định giải pháp, xin chia sẻ thêm 1 số thông tin sau:

  • Một “khảo sát bỏ túi” nhanh về thói quen đọc và nội dung đọc:
    • với nhân viên và sinh viên (lứa tuổi 20 – 30)
      • 70% cho biết chỉ học chứ không đọc tham khảo thêm
      • 12% cho biết có đọc các sách, truyện khác ngoài chuyên môn
      • 80% không đọc sách 1 năm qua
      • 98% không đọc sách tuần qua.
      • 100% nói gần như chẳng để ý đến thơ.
      • Một số có đọc thì tiếp nhận rất hời hợt và thiếu phản biện, thiếu tư duy, tiếp nhận thông tin đơn chiều kiểu đọc tiểu thuyết chỉ thấy anh này yêu chị kia, chị kia yêu anh nọ, các câu chuyện tình tay ba, tay tư,… mà không hề nhận được tính logic của cuộc sống qua nhân cách, thái độ, hành xử và diễn biến tâm lý, các kết cuộc của nhân vật,…
    • Lướt web và mobile thì đang là nhu cầu và thú vui lớn của người Việt nói chung và giới trẻ nói riêng. Tỷ lệ truy cập internet tăng lên rất nhanh, các báo điện tử lớn như vnexpress, dantri.com.vn có đến hơn 5 triệu lượt truy cập mỗi ngày; tuy nhiên con số này vẫn tập trung cao ở các thành phố và trên bình diện rộng còn nội dung quan tâm khi truy cập cũng còn là vấn đề đáng bàn.
    • Với cộng đồng:
      • Qua 2 lần chờ chuyến bay, tình cờ để ý tôi nhận thấy:
        • Ở lần thứ nhất tại Việt Nam: đếm nhanh với hơn 50 người trong đó có 8 người nước ngoài (6 Âu và 2 Á) thì 4 người Âu và 2 người Á đều đọc sách, 2 người Âu còn lại trò chuyện cùng nhau. Trong khi đến hơn 40 người Việt thì chỉ có 3 người đọc báo, số còn lại lang thang chờ, ngủ, xem TV hay lơ đễnh, làm những chuyện cá nhân.
        • Ở lần thứ 2 tại 1 sân bay ở châu Âu: Không đếm được số người, do quá đông, nhưng những người chờ thì khoảng 65% đều đọc sách, có 1 số ít ngủ và cuốn sách vẫn cầm trên tay hay đặt trên ngực, chỉ có 1 số rất ít không đọc sách vì bận công việc cá nhân.
    • Tại các hội chợ sách ở châu Âu, người ta bán vé vào cửa đến vài trăm USD (tại Thụy điển là 324USD/ vé) mà người vào vẫn nườm nượp. Qua tìm hiểu được biết ngay cả nông dân châu Âu cũng đọc rất nhiều sách hàng năm. Chẳng thế mà đi đâu cũng thấy họ cầm sách và họ nói chuyện rất hay, rất thuyết phục!

- Điểm nhanh thông tin ở 1 số kênh thông tin quan trọng:

  • Theo nhận xét của nhiều bạn hữu và so sánh với các chuyến công tác nước ngoài, có thể thấy rằng thông tin báo chí của ta hiện nay rất giống nhau và không có sự khác biệt nhiều, từ từ ngữ cho đến cách trình bày. Chắc các bạn đồng ý với tôi rằng sẽ hay hơn và tốt hơn khi mỗi báo có 1 sắc thái riêng và dù thế nào báo chí cần phải là 1 kênh giáo dục, giới thiệu được thông tin có giá trị, những từ “đắt”, câu “độc”, vấn đề mới, có chiều sâu. Trước đây với các bài xã luận, các chuyên đề và phóng sự điều tra,… báo chí vẫn thực hiện và thu hút được rất đông sự chú ý của công luận thì càng gần đây thông tin lại chỉ “nhờ nhờ”, mà nhiều người nói mua báo vì thói quen chứ chẳng thấy gì để đọc. Vì sao báo chí đã bỏ quên vai trò và trách nhiệm lớn là tính định hướng và giáo dục của mình mà phần lớn chỉ làm người đưa tin thuần túy. Và nếu chỉ là đưa tin nhanh thì làm sao báo chí có thể cạnh tranh với web / Enews trong tương lai?
  • Có vẻ như văn hóa xem-nghe nhìn đang lấn lướt văn hóa đọc. Game show nhiều. Trò chơi truyền hình chiếm hầu hết thời lượng các kênh, nhưng nội dung thì sao chép, hời hợt, đã quá nhiều ý kiến và bài báo về vấn đề này. Người dẫn chương trình thì phần lớn thiếu vốn sống, do vậy chỉ phô diễn ngoại hình, động tác gây cười. Mà quan trọng hơn, các nghiên cứu khoa học cho thấy đã có dấu hiệu của thoái hóa tư duy, tạo tiền đề bệnh béo phì ở những trẻ em và người lớn dành quá nhiều thời gian với màn hình TV.
  • Nhiều người bảo báo chí truyền hình của chúng ta phải như thế đó là do thị hiếu số đông, nhưng thật sự làm công tác quản lý và lãnh đạo chắc cũng thừa hiểu rằng tính định hướng và khả năng giáo dục của truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng, đó chính là sức mạnh của truyền thông. Chính vì hiểu điều này mà các nhà kinh doanh đã khai thác triệt để qua các TVC chỉ 15”, 30” đã tác động lớn đến đối tượng mục tiêu mua hàng của mình.

- Thật đau lòng khi biết rằng mới đây thôi ở 1 trường phổ thông ở tỉnh nọ ngay trên đất nước của chúng ta đã có quy định rằng “chỉ có giáo viên và học sinh giỏi mới được vào thư viện” với ý do để bảo vệ sách quý – đắt tiền.

- Dù thế nào, hôm nay nhìn lại, nếu trước đây Hội sách hàng năm tổ chức với quy mô nhỏ thì năm nay, lần đầu tiên BTC đã chuyển đến 1 địa điểm mới, lớn hơn với số gian hàng tham gia nhiều hơn, người đến đông hơn. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng và có thể xem là dấu hiệu chuẩn bị cho 1 sự đột khởi mới kích hoạt văn hóa đọc.

Nhu cầu và lợi ích của việc đọc sách

Giá trị của sách chắc cũng không cần bàn nhiều vì thực tế đã có nhiều người trở thành nhà học giả uyên không phải do được học ở các trường danh giá mà chính là vì đọc và nghiên cứu sách. Thậm chí còn học được nhiều nghế mới, cả ngoại ngữ mới khi ở trong tù, điều đó cho thấy khí tiết của người có Tri thức.

- Việt Nam đang hội nhập cùng thế giới, cơ hội nhiều, thách thức nhiều và cạnh tranh nhiều hơn. Trong đó, 1 kênh quan trọng để tiếp thu thông tin cập nhật, tinh hoa thế giới, văn hóa các nước, để kinh doanh và tiếp thị, tiếp cận khách hàng, nhân viên sở tại thành công đó chính là… sách. Một người thành công mà ai cũng biết dù thích hay không, Bill Gates, trong tất cả các phát biểu của mình với cộng đồng đặc biệt với sinh viên ông luôn nhắc đến việc đọc.

Mọi người đều mong muốn có tri thức dồi dào, cuộc sống thành công và hạnh phúc - đây là điều chính đáng mỗi người có thể có và cần được hưởng. Xã hội có số đông là người đạt được điều này sẽ là xã hội văn minh, quốc gia như vậy sẽ là quốc gia mạnh. Hướng về mục tiêu này, mỗi người sẽ có những con đường khác nhau, qua thực tế tôi nhận thấy rằng để mỗi người đạt được điều này và để chúng ta có được nguồn nhân lực mạnh thực sự, cần một cuộc cách mạng, giải quyết đồng thời bốn việc mà tôi xin đưa ra theo mô hình tứ đỉnh của Kim tự tháp LTC mà tôi xin đề xuất như sau:

-         Rèn tâm
-         Luyện lực
-         Tích cực truyền thông.
-         Tương tác liên thông gắn với cộng đồng.

Thứ nhất: Rèn tâm, điều này là điều đầu tiên cần làm, làm 1 cách nghiêm túc, thậm chí nghiêm khắc với chính mình. Đừng để cho mình trở nên nhỏ bé thấp kém đi vì nhân danh lý luận “vật chất quyết định ý thức” để chỉ chăm chăm vào vật chất mà quên yếu tố quan trọng đối với con người và sự phát triển cả quốc gia là ý thức và thái độ sống tích cực. Hãy giúp đỡ và tạo điều kiện cho các thế hệ sau mình 1 cách vô tư - vị tha - vô vị lợi với tất cả nhiệt tình, niềm say mê và tha thiết của mình để có được 1 thế hệ có năng lực cao hơn và nhân cách tốt hơn. Thực tế điều này đã có trước đây, ngay ở Việt Nam ba bốn mươi năm trước việc giáo viên kèm cặp hướng dẫn học sinh học thêm khi các em học yếu hay vì lý do gì đó phải nghỉ học là việc bình thường. Người dạy thì rất vô tư, vô vị lợi, người học thì luôn cố gắng vì nhận thấy trách nhiệm của mình và tình thương yêu của thầy cô, bạn bè. Có những giáo viên đạp xe cọc cạch cả chục cây số đến tận nhà học sinh để dạy, hay có những học sinh chân dép lê đến trường cả những ngày nghỉ lễ. Kết quả là sự trân trọng của xã hội dành cho qúy thầy cô và cũng nhiều nhân tài Việt nam đi ra từ nền giáo dục ấy. Thế hệ ấy thu nhập 1 tháng chỉ có ba bốn chục đồng nhưng dám mua cuốn sách đến trên dưới 10 đồng để đọc. Ngày nay, nhân danh quyền lợi cần có, có giáo viên giữ bài để dạy thêm, giờ chính khóa làm không hiệu quả, nhiều trung tâm mở ra, học sinh đến học khá đông, học phí đóng không ít, thế mà đề thi lộ nhiều nơi, bằng cấp giả như thật, tri thức được bằng cấp thật xác nhận lại có giá trị như giả, sự trân trọng với nghề giáo giảm đi và học sinh thì chất lượng thế nào… chúng ta đều hiểu khá rõ. Tôi vẫn biết và vẫn tin rằng sóng biển lớp sau đè lớp trước, thế hệ sau luôn có những người giỏi hơn thế hệ trước nhưng nhận định theo luật số đông thì hơn bao giờ hết nhiệm vụ định vị lại, nghiêm khắc hơn trong học tập và giáo dục đề rèn nhân cách và đạo đức của chính từng giảng viên, giáo viên, học viên, học sinh là điều quan trọng cần quan tâm và đặc biệt cần thực thi. Đọc là 1 trong những phương thức Rèn tâm chủ động nhất mà mỗi người có thể thực hiện.

Thứ hai: luyện Lực bao gồm cả Thể lực Trí Lực, Khả năng và Kỹ năng. Luyện lực từ thể lực, cần sự kiên trì thể dục thể thao, ăn uống sinh hoạt điều độ mỗi ngày. Sức khỏe tốt từ việc ăn uống điều độ và kiên trì luyện tập thể dục mỗi ngày chứ không phải 1 tuần ăn 1 bữa cho no say hay 1 tháng tập thể dục suốt 1 ngày sẽ đủ sức khỏe. Cũng như vậy khả năng lãnh đạo, dự báo, kỹ năng sử dụng các công cụ hỗ trợ cũng cần được học, áp dụng và hoàn thiện mỗi ngày. Cần luyện cách tiếp nhận thông tin, phân loại, xử lý, hành động, giám sát, tái kiểm tra, điều chỉnh và lưu trữ thông tin toàn quá trình tạo thành cơ sở dữ liệu. Chính quá trình học tập, áp dụng, liên tục hoàn thiện mỗi ngày sẽ làm cho kiến thức ta có trở nên có giá trị qua các thành quả đơm hoa kết trái từ hành động thực tế nhất quán của mỗi chúng ta. Để khỏe về thể lực cũng như mạnh về năng lực từ đó chủ động thành công và cảm nhận hạnh phúc trong cuộc sống là uớc mơ của mỗi người. Để đạt điều này mỗi người cần tự đúc rút ra cho mình phương pháp học hỏi và chế độ luyện tập, thực hành phù hợp và học và tập là quá trình có thể và cần thực hiện suốt đời. Tư duy cao xa, hành động thực tiễn là lời gợi ý cho là quá trình trình này. Thành công, thu nhập, … chắc chắn đến với người có năng lực và tìm được nơi phù hợp để thể hiện năng lực đó, bạn có thể làm công hay làm chủ, ngày nay đã có nhiều hình thức làm chủ, chắc chắn nếu có năng lực bạn sẽ có cơ hội, vấn đề đặt ra là bạn có thật sự có năng lực và phẩm chất cần thiết, phù hợp hay không? Nhớ rằng “dục tốc bất đạt” mọi việc cần thời gian, nhưng với thời hạn phù hợp thì phải có kết quả, rồi hiệu quả và là người có năng lực thật sự sẽ chủ động dự báo và kiểm soát hậu quả. Và 1 điểm nữa, việc chọn lựa đúng nơi thể hiện cũng là 1 phần về năng lực của bạn. Việc đọc và phản biện trong quá trình đọc để hoàn thiện mình tạo ra 1 nguồn năng lực to lớn cho quá trình Luyện Lực cho chính mỗi người.

Thứ ba: Tích cực truyền thông, chắc chắn truyền thông là điều rất cần, song nhiều người chưa quan tâm đến điều này. Nếu để ý các bạn sẽ thấy 1 lãnh đạo giỏi là người truyền thông tốt, 1 giảng viên được sinh viên yêu mến và thích môn học là người truyền thông tốt, một nhân viên được phát triển và thăng tiến nhanh cũng là nhờ truyền thông tốt và ngay cả 1 sản phẩm thành công trên thị trường cũng là nhờ truyền thông tốt. Đã xa rồi cái thời “hữu xạ tự nhiên hương”, ngày hôm nay để thành công phải thực hiện tốt việc truyền thông, như đã phân tích ở đầu tham luận, truyền thông bao gồm cả hình thức, nội dung, ngôn ngữ, trình bày và thể hiện cho phù hợp với đối tượng mục tiêu. Không phải lúc nào, ở đâu từ các công ty MNCs, SMEs và ngay cả trong cuộc sống những ý tưởng hay, dự án tốt đều được ủng hộ và thành công, mà những ý tưởng - dự án đó được truyền thông – trình bày thế nào để được ủng hộ. Đọc nhiều sẽ giúp vốn từ phong phú, khả năng thấu cảm cao và từ đó truyền thông sẽ tích cực hiệu quả hơn. Điều này bổ sung thêm rằng dù có Tâm tốt, Lực mạnh bạn vẫn cần Truyền thông để tác động đến các cộng sự và đối tượng.

Thú tư: Tương tác liên thông, gắn với cộng đồng. Thang trên của Phụ thuộc là Độc lập và trên Độc lập là Liên thuộc. Để có sản phẩm cạnh tranh hơn, Toyota ngày nay không nên và không thể sản xuất toàn bộ tại Nhật mà cần chuyên môn hóa ví dụ như lấy động cơ làm từ Đức, Vỏ ruột xe từ Trung quốc, bộ điều khiển điện tử ở Ấn độ,… lắp ráp tại Việt Nam để bán ra thị trường mục tiêu. Cũng như vậy, 1 người thơ dệt có bàn tay vàng không nên và không cần tự dệt và tự may áo cho mình,… Tương tự thế, 1 Tổng giám đốc giỏi không thể thiếu các công sự tốt, một marketing khó được xác nhận là có năng lực nếu thiếu sự tham gia và ủng hộ của bán hàng,… Hơn bao giờ hết tương tác liên thông là yêu cầu cần thiết với từng cá nhân, bộ phận và tổ chức. Ngày xưa, sau khi vượt qua khó khăn nguy hiểm để tồn tại, dù thành công Mai An Tiêm vẫn cố gắng tìm đường về với cộng đồng qua quả dưa có chữ “Mai”; ngày nay chắc chắn Bill Gates cũng không vì giàu như thế, giỏi như thế mà có thể tách rời cộng đồng, thậm chí ông còn thể hiện giá trị của mình 1 cách cụ thể hơn không phải ở con số tài sản bao nhiều mà ở các hoạt động chống đói nghèo bệnh tật cùng quỹ Bill & Melinda của mình. Chúng ta có thể làm việc liên thông và gắn bó với cộng đồng qua công việc hàng ngày của mình, từ đó trưởng thành, thể hiện giá trị của mình. Điều này nhằm nhắc bạn khi có Tâm tốt, Lực mạnh, Truyền thông giỏi bạn vẫn còn cần thêm việc tương tác liên thông và gắn với cộng đồng thì bạn mới thành công trọn vẹn được. 

Đề xuất về một số giải pháp để xây dựng và phát triển văn hóa đọc, Tôi xin đưa ra mô hình mà tôi nghiên cứu và tổng hợp quá trình học tập tích lũy tri thức và trưởng thành hình thành nhân cách của mỗi con người thường đi qua 3 phần như 1 Tháp kiến thức LTC như sau:


-         Phần hình thang ở đáy (Học từ Sách báo – Thông tin xã hội) là kiến thức thu nhận được từ đọc và học từ sách và cuộc sống giao tiếp xã hội. Ai cũng có thể có!

-         Phần hình thang ở giữa nhỏ hơn (Học từ lớp 1 đến đại học – cao học) là phần kiến thức học được từ giáo dục chính quy (lớp 1 đến đại học và cao học) là kiến thức và thông tin đã được hệ thống và chuyển giao theo các quy định, quy trình, quy phạm. Đa phần có thể có.

-         Phần tam giác đỉnh (Tự đào tạo & Tiếp nhận tư vấn) là phần tự học, tự chiêm nghiệm, rèn luyện, lắng nghe ý kiến của chuyên gia và các nhà tư vấn. Ai cũng có thể có!

Nếu mỗi cá nhân thiếu hụt bất cứ phần nào thì sẽ bị khiếm khuyết phần đó. Thực tế, nếu chú ý kỹ, ta sẽ thấy người được xem là thành công là những người thực sự để ý và áp dụng tốt việc học trau dồi kiến thức ở tam giác đỉnh và hình thang đáy, nơi có đáy đủ rộng để chắc và đỉnh đủ sắc để thành. Trong khi phần đông nhiều người lại “hồ đồ” cho rằng sự học chỉ nằm trong hình thang giữa, nên tập trung vào đó một cách máy móc, học vẹt rồi quên hết và chẳng để ý đến 2 phần quan trọng kia, cho rằng tốt nghiệp đại học, cao học là đủ và dương dương tự đắc với vốn thông tin kiến thức còn rất… hạn chế và ngày càng mai một của mình. Kết quả là kiến thức họ có được chỉ là 1 hình thang nhỏ bé, chênh vênh, đáy không rộng để chắc, đỉnh không sắc...

Các gợi ý đế xuất về chương trình hành động để nâng cao văn hóa đọc

-         Với cá nhân: chú ý đến việc đọc, kể chuyện và tặng sách. Cố gắng vượt thói quen ”luời đọc” của mình, ít nhất 1 tháng đi hiệu sách 1 lần, mua ít nhất 1 cuốn sách hay mình thích. Đọc ít nhất 1 cuốn sách mỗi tuần. Luyện tập thói quen tặng sách hay cho người thân và cho trẻ em.


-         Với gia đình: Tạo 1 tủ sách trong nhà, mỗi ngày kể 1 câu chuyện hay từ sách cho con trẻ. Mỗi tuần 1 thành viên trong nhà nói về 1 cuốn sách mình tâm đắc. Dắt trẻ đi nhà sách ít nhất 1 tháng 1 lần. Tặng ”sách hay” mỗi tháng khi con trẻ làm được điều tốt. Tạo môi trường tốt cho việc đọc, khuyến khích đọc, bắt đầu từ 1 giá sách, tạo thành góc đọc sách, 1 tủ sách gia đình, phòng đọc sách.

-         Với các cơ quan báo chí truyền thông và tổ chức văn hóa: Xem việc cổ vũ văn hóa đọc và tặng sách cho người thân là nhiệm vụ hàng đầu. Một hệ quả gián tiếp chắc chắn đến là khi người ta đọc sách – say mê đọc sách, người ta sẽ bớt thời gian làm những việc vô bổ, tiêu cực. Nếu số người ngồi đọc sách nhiều hơn, thì tri thức và năng lực của dân tộc đó sẽ mạnh hơn, dẫn đến số người ra đường gây kẹt xe, tai nạn,... sẽ ít đi.

-         Với ngành giáo dục: Mỗi ngày có 15 phút đọc truyện qua hệ thống âm thanh của nhà trường. Mỗi tuần có 1 giờ giới thiệu sách hay. Mỗi tháng có 1 buổi kể chuyện về đọc sách và quà tặng là sách quý cho người đọc hay nhất. Mỗi quý có 1 tuần đọc miễn phí ở thư viện. Mỗi tháng có 1 ngày đọc sách miễn phí cho sinh viên. Nhắc đến việc đọc sách mọi lúc mọi nơi trong trường.

-         Với các cơ quan quản lý: Xem việc cổ vũ đọc sách như là phương pháp phòng bệnh tích cực cho các vấn đề của xã hội.

-         Với xã hội: Tổ chức ngày toàn dân đọc sách. Liên kết tích hợp để có ngày toàn dân đọc sách, mỗi quý có 1 hội sách tại các trường học. Tôn vinh người có sách hay được nhiều người đọc, tôn vinh người tặng sách nhiều cho sinh viên trẻ em, tôn vinh người đọc sách và làm được việc từ đọc sách,... Khuyến khích mở các thư quán cà phê tại mỗi trường học, góc phố, tạo nên 1 nét văn hóa đẹp cho cộng đồng.

-         Với lứa tuổi và nhóm đối tượng:

  • Nhi đồng: Tổ chức các hoạt động Thi kể chuyện sau khi đọc.
  • Thiếu niên: Tranh luận về 1 cuốn truyện hay của lứa tuổi
  • Thanh niên: Tạo ra những hoạt động kích hoạt văn hóa đọc như sự kiện nhật ký Đặng Thùy Trâm.
  • Công nhân: Vận động Liên đoàn lao động phát động chương trình 50 Công nhân có 1 tủ sách.
  • Giới văn phòng, doanh nhân: Tủ sách cho mỗi công ty.
  • Cán bộ Công chức: Mỗi tháng đọc ít nhất 1 cuốn sách. Một năm mỗi người tặng 1 cuốn sách cho các chiến sĩ ở hải đảo.
  • Doanh nghiệp: Mỗi doanh nghiệp tài trợ 1 tủ sách. Mỗi năm chọn tài trợ 1 chương trình liên quan đến sách và đọc sách hướng về khách hàng mục tiêu của mình, cá nhân tôi và tạp chí Trí Tri sẵn sàng ủng hộ tham gia phát triển chương trình này.

Đừng bị áp lực khi đọc sách - có thể đọc tự do, nhiều thể loại, từ truyện tranh đến truyện chữ, từ truyện cho trẻ em đến truyện cho người lớn, từ truyện ngắn đến truyện vừa và tiểu thuyết, từ sách chuyên môn đến sách không thuộc chuyên môn của mình, từ sách in đến sách điện tử. Nên dành nhiều thời gian rảnh mà ta thường vô tình bỏ qua để đọc: đọc trên xe, khi chờ ở sân bay, hay chờ đợi việc gì (ai) đó, trước khi đi ngủ và cả chủ động đọc để chuẩn bị cho công việc, bài giảng hay buổi nói chuyện của mình,… Qua việc đọc và phản biện với chính mình và với tác giả, qua việc hình dung ý nghĩa từng con chữ từng ngày từng giờ sẽ tích tụ kiến thức, rèn luyện óc sáng tạo, trí tưởng tượng. Đây là quá trình tự học hỏi, hoàn thiện mình từ sách báo, tri thức của tiền nhân trí tuệ của nhân loại.

Tôi đã tham gia cùng Hội khuyến học, qua tạp chí Trí Tri từ sự thống nhất trong mục tiêu để mọi người có thể hiểu và có niềm vui khi học tập suốt đời. Chiến lược của tôi cùng Trí Tri là luôn hướng về mục tiêu hoàn thiện con người thông qua giáo dục và truyền thông. Mở rộng hợp tác, chọn đúng kênh, làm đúng việc, hướng về mục tiêu, tạo ra giá trị cho các đối tượng liên quan. Cá nhân tôi cùng các cộng sự đã, đang và tiếp tục tham gia thiết kế, tổ chức, thực hiện các chương trình việc chuyển tài thông tin dưới nhiều hình thức cấp độ cho đúng đối tượng và tham gia vào cả 3 loại hình thông tin từ rộng đến sâu:

-         Nhóm nhanh nhạy và có tính phổ quát rộng qua báo điện tử. Truy cập tự do qua dantri.com.vn và tritri.vn

-         Nhóm chuyên môn và có hệ thống cho các bạn cần sự hỗ trợ nhiều hơn, sâu hơn báo cập nhật hơn sách, dễ lưu trữ và theo từng chủ đề nhưng tính phổ quát ở mức trung bình là tạp chí Trí Tri. Với các bạn có nhu cầu, Chúng tôi dành tặng trong hội sách này 3.000 cuốn tạp chí và với mỗi trường Đại học có nhu cầu sẽ tặng 5 cuốn cho thư viện / trường / tháng.

Để chúng ta có được nền văn hóa đọc tiến đến nền văn hóa – tri thức mạnh thật sự, cần một cuộc cách mạng giải quyết đồng thời bốn rào cản lớn.

-         Thứ nhất: Xem đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu không nhằm mục tiêu lợi nhuận. Mỗi cá nhân, gia đình và tổ chức tự cam kết và tự thực hiện việc đầu tư khoảng 10% ngân sách phát triển, 10% thời gian, 10% nguồn lực, 10% sự chú ý mỗi ngày cho việc này.

-         Thứ hai: Không bị giới hạn bởi suy nghĩ thiếu tiền, chính con người và năng lực của mình làm ra tiền chứ không phải tiền làm ra con người. Khi quyết tâm và hướng đến mục tiêu ta có thể hợp tác cùng đạt đươc mục tiêu mà không cần tiền.

-         Thứ ba: Sẵn sàng đọc và luôn khuyến khích đọc. Mỗi người tạo cho mình 1 tủ sách ở bất cứ nơi nào mình sống và làm việc.

-         Và cuối cùng, cả xã hội cần khuyến khích đọc sách. Điều này có lý do nhiều người đọc sách mà trưởng thành, trở nên uyên bác và rất thành công, được cộng đồng tôn kính. Đọc, được rất nhiều mà chỉ hy sinh thời gian nhàn rỗi vô nghĩa. Đọc giúp người ta hiểu biết và sống tốt hơn, mạnh mẽ hơn, trung thực hơn và tự tin hơn. Thế hệ trước cần làm gương, chính những tấm gương đó sẽ khiến người trẻ có đam mê đoc cần khuyến khích việc đoc tạo mọi điều kiện để giúp đỡ cho việc đọc bằng niềm vui và sự nhiệt tình và tri thức của mình.

Thay lời kết, Tôi có 3 lời chúc cho mỗi bạn quan tâm đến sách là:

-         Có thêm nhiều sách, nguồn tin hay để đọc.

-         Mỗi ngày: Người đọc được 1 trang sách sẽ đọc được ít nhất 2 trang. Người đọc được 1 cuốn sách sẽ đọc được 2 cuốn. Người hoc được 1 điều hay từ sách sẽ học được ít nhất 2 đều. Mỗi tuần vào Sachhay.com hay các trang giới thiệu sách 1 lần và rủ thêm được ít nhất 1 người cùng vào từ đó có thêm 1 người thường xuyên đọc sách. Mỗi tháng đi nhà sách, tìm mua, đón đọc, góp ý, tham gia cùng Trí Tri 1 lần. Mỗi quý tặng 3 cuốn sách tâm đắc cho 3 người thân quanh mình. Mỗi năm đem sách đến tặng cho các chương trình văn hóa 1 lần.

-         Dù sách hay đến thế, dù thế nào cũng đừng quên bạn có toàn quyền phản biện với sách để rèn luyện tư duy và rút ra triết lý phù hợp cho mình. Sách chỉ là 1 phần cuộc sống, còn rất nhiều con người, nhiều điều thú vị quanh ta, cuộc sống rộng lớn với những con người ta biết mỗi ngày chính là những trang sách quý, nguồn thông tin – tri thức sống động nhất sẵn có mà ta cần và có thể học hỏi.

Chúc quý vị và các bạn được nhiều sức khoẻ và hạnh phúc. Chúc Hội thảo thành công với những chương trình hành động cụ thể thiết thực.

Lý Trường Chiến - Giám đốc phía nam dantri.com.vn và tạp chí Trí Tri